Kinh tế

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử: Thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh

Thanh Hiền 02/06/2024 - 06:54

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử là nhiệm vụ quan trọng của các cấp, ngành và toàn xã hội nhằm thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

vna_potal_ngay_quyen_cua_nguoi_tieu_dung_viet_nam_1532024_nhung_luu_y_khi_mua_hang_truc_tuyen.jpg

Khiếu nại gia tăng

Thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, với doanh thu B2C (giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng qua nền tảng internet) năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD và hơn 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử. Những con số này đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng nhiều, số lượng phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các giao dịch thương mại điện tử cũng đang có xu hướng tăng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng số đơn, thư, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng được Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (cơ quan được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) tiếp nhận.

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, năm 2023, đơn vị đã tiếp nhận 1.567 đơn thư phản ánh và khiếu nại của người tiêu dùng. Trong đó, 5,5% đơn có nội dung liên quan đến thương mại điện tử như: Chất lượng và số lượng hàng hóa không bảo đảm, dịch vụ vận chuyển không đạt yêu cầu, không đền bù hoặc đổi trả sản phẩm, quảng cáo lừa dối và thông tin sai lệch…

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, để ngăn chặn các hành vi vi phạm trên môi trường mạng cần phải có nguồn nhân lực, nhất là công cụ, phương pháp phù hợp chứ không thể “tay không bắt giặc”. Chống gian lận thương mại, hàng giả trên mạng internet cần có các giải pháp công nghệ cụ thể để định danh, xác định người mua, người bán, người vận chuyển, sản phẩm hàng hóa...; từ đó góp phần phòng ngừa rủi ro, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra các sàn thương mại điện tử

Từ góc độ cơ quan quản lý, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Oanh cho biết, Bộ đã xây dựng chính sách bổ sung nhiều quy định mới làm rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian, nền tảng số lớn, điều chỉnh việc sử dụng hệ thống thuật toán và quảng cáo hướng tới nhóm người tiêu dùng cụ thể; kiểm duyệt nội dung, minh bạch hoạt động quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như: Trẻ em, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp đa dạng và sáng tạo như: Tổ chức các cuộc thi “Người tiêu dùng trẻ trong thương mại điện tử”, “Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” thu hút hơn 25.000 người chơi mỗi năm; tạo lập tài khoản Tiktok @ntdtrongtmdt (Người tiêu dùng GenZ) đăng tải gần 30 video clips tuyên truyền lên tài khoản với hơn 200.000 lượt xem/thích và vận hành Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại đầu số miễn cước 1800.6838 để tư vấn, hỗ trợ trực tiếp các vấn đề phát sinh của người tiêu dùng… Những hoạt động này không chỉ nhằm cung cấp thông tin pháp luật mà còn hướng đến xây dựng thói quen mua sắm an toàn, thông minh cho người tiêu dùng trong thương mại điện tử và trách nhiệm kinh doanh có đạo đức cho các doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Việc hợp tác này không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận các kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển mà còn tạo điều kiện để xây dựng các tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cũng theo bà Lê Hoàng Oanh, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sàn thương mại điện tử để kịp thời phát hiện, hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh trên các nền tảng. Cùng với đó, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã xây dựng cơ chế phối hợp trong tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả giám sát hoạt động của các sàn thương mại điện tử. Qua đó phát hiện, xử lý nhiều vụ việc có quy mô lớn về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc chào bán trên không gian mạng; kịp thời yêu cầu các sàn thương mại điện tử điều chỉnh, xóa bỏ thông tin có nội dung sai lệch, có khả năng tác động tiêu cực tới người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, đồng thời, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc xây dựng và phát triển môi trường thương mại điện tử lành mạnh, bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử: Thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.