Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 20-6-2023, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Với nhiều quy định đã được hoàn thiện, bổ sung, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã điều chỉnh nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn…
Điều chỉnh nhiều vấn đề mới
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) có 7 chương, 80 điều. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, nhiều nội dung mới đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (đại diện cơ quan soạn thảo) Nguyễn Quỳnh Anh cho biết, so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được hoàn thiện toàn diện, kịp thời bổ sung nhiều quy định và điều chỉnh các vấn đề mới, phù hợp với xu hướng phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, khu vực và trên thế giới.
Trong đó, cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là một trong những nội dung mới quan trọng, thu hút nhiều sự quan tâm. Theo cơ quan soạn thảo, lâu nay, người tiêu dùng thông thường được xác định là bên yếu thế về sức mạnh kinh tế, nhận thức, thông tin, khả năng gánh chịu rủi ro... trong mối quan hệ giao dịch tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đặc biệt, người tiêu dùng có hoàn cảnh, đặc tính bất lợi riêng còn phải chịu những bất lợi khác như về khả năng tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản... khi tham gia vào các giao dịch tiêu dùng. Vì vậy, cần phải có những chính sách, quy định riêng ưu tiên, hỗ trợ cho nhóm người tiêu dùng đặc thù này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tối đa cho người tiêu dùng.
Ngoài những quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã có một số quy định dành riêng để bảo vệ quyền lợi cho nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương. Cụ thể là: Những người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; phụ nữ đang mang thai, người bị bệnh hiểm nghèo…
Bên cạnh đó, lần đầu tiên, quy định về sản xuất, tiêu dùng bền vững được đề cập chính thức, cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để mở rộng phạm vi triển khai các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững tại Việt Nam. Bổ sung các nhóm quy định để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, như quy định về phân loại và xác định trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng…
Liên quan tới các phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, đại diện cơ quan soạn thảo cũng cho biết, luật đã hoàn thiện quy định có tính đột phá, tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong việc áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cùng với đó, luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan báo chí, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc công bố, công khai các thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng.
Tuyên truyền để luật đi vào đời sống
Về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung đánh giá, các quy định pháp lý trong luật lần này đã cụ thể hơn, chi tiết hơn. Do đó, khi luật có hiệu lực sẽ bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng chặt chẽ hơn. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng nhận thức được những hình thức kinh doanh chộp giật, thiếu minh bạch sẽ dần bị loại bỏ.
“Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam luôn khuyến khích, vận động người tiêu dùng lên tiếng tự bảo vệ quyền lợi của mình. Có như vậy, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội về quyền người tiêu dùng mới biết và có cơ sở để vào cuộc”, ông Vũ Văn Trung nói.
Để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào đời sống, công tác tuyên truyền là hoạt động quan trọng, cần được ưu tiên thực hiện để bảo đảm mọi chủ thể đều hiểu và tuân thủ các quy định của luật.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia dự kiến một số hình thức triển khai, trong đó xác định hình thức tập trung, xuyên suốt là phối hợp với các cơ quan báo chí để tạo ra nội dung, cách thức tuyên truyền chất lượng, đáng tin cậy, dễ tiếp cận về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nói riêng và công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung. Thông qua định hướng phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan báo chí, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tin tưởng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật sẽ tiếp tục được phát huy. Nhờ đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng cần chủ động tạo điều kiện, hỗ trợ, hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng cho toàn xã hội. Việc tuyên truyền, giáo dục cần thường xuyên và với nhiều cấp độ, hình thức. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan để phát hiện và xử lý các vấn đề bất cập trong quá trình thực thi luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.