(HNM) - Nghề quét rác - nghe thì không sang, nhưng những con người làm công việc bình dị ấy, vẫn ngày đêm lặng lẽ mang đến sự trong lành, sạch đẹp cho thành phố. Điều đáng trân trọng là có những gia đình có đến ba thế hệ gắn với nghiệp “cầm chổi”.
Hiểm nguy rình rập
Bước vào trụ sở Đội vệ sinh Tân Phú (thuộc Xí nghiệp Vận chuyển số 2 - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh) một buổi tối muộn, chúng tôi cảm nhận rất rõ không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc. Người mặc áo bảo hộ, người chuẩn bị chổi, người kéo thùng rác... chuẩn bị bắt tay vào công việc.
Trong lúc mọi gia đình đang quây quần vào buổi tối thì những công nhân quét rác phải ra đường làm việc. |
Anh Huỳnh Thanh Toàn (Đội trưởng Đội vệ sinh Tân Phú) kể: "Nghề này cũng nguy hiểm lắm! Trước đã có một công nhân của đội bị tai nạn mất vào đêm 27 Tết do một thanh niên say rượu lái xe tông phải khi đang quét rác trên đường". Theo lời các anh, chị công nhân vệ sinh, để tránh bị người chạy xe trên đường va quệt trong lúc làm nhiệm vụ họ phải tránh xe chứ không để xe tránh mình….
Khi được hỏi về những vui buồn trong nghề, chị Hồng Thị Kim Được cho biết, chuyện bị người đi đường quăng rác ngay trước mặt là bình thường. "Nếu phản ứng lại thì họ bảo: Bà lĩnh lương nhà nước thì nhiệm vụ phải làm. Lúc ấy chỉ biết im lặng và làm tròn nhiệm vụ thôi. Có những lúc quét rác tại tuyến đường nhiều quán nhậu, thỉnh thoảng vẫn bị thực khách đuổi đi hoặc chửi bới bởi vì cho rằng mình gây bụi bặm”, chị Được nói.
Nguy hiểm nhất là quét rác ở những đoạn đường vắng. Nhiều khi thấy người dân đổ rác trộm, nếu nhắc nhở thì đôi khi còn bị đánh, nếu báo cơ quan chức năng có thể bị trả thù. Theo những công nhân trong Đội vệ sinh Tân Phú, thực trạng đổ rác trộm rất nhức nhối. Trong 426 tuyến đường trên địa bàn quận có tới 300 tuyến có rác phát sinh chủ yếu do người dân đổ trộm. "Việc xử lý những đối tượng này chỉ trông chờ vào cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bao lâu nay vẫn chưa thấy chuyển biến gì", anh Huỳnh Thanh Toàn nhấn mạnh.
Vui, buồn cùng nghề, chị Được chia sẻ chân thành: “Người dân đứng gần xe rác thì thấy mùi hôi thối khó chịu, còn những người trong nghề như tôi thì thấy… bình thường. Đôi khi chúng tôi phải thu gom cả xác động vật, hay những thứ rác rất khó... nói. Ban đầu cũng sợ, lâu rồi thành quen". Trong nghề "cầm chổi", bên cạnh những lúc tủi thân tủi phận, cũng có lúc cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Không hiếm lần, các anh, chị nhặt được giấy tờ, hồ sơ quan trọng hay nhặt được ví từ bọn tội phạm bỏ lại, bên trong còn giấy tờ tùy thân của người bị cướp. Những loại giấy tờ đó sau khi liên lạc trả lại chủ nhân, nhìn họ mừng, mình cũng vui lây, chị Được tâm tình.
Đãi ngộ chưa tương xứng...
Đội vệ sinh Tân Phú, bên cạnh những người hơn 30 năm trong nghề hay đã sắp nghỉ hưu, vẫn có những người còn khá trẻ, như em Cao Thanh Mai năm nay mới 20 tuổi. Mai cho biết, gia đình em có ba thế hệ nối tiếp theo nghề quét rác. Mẹ Mai năm nay 45 tuổi, nối nghiệp người cha (tức ông ngoại của Mai) vào nghề từ năm 1995. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là Cao Thanh Mai chấp nhận từ bỏ giảng đường đại học để theo mẹ quét rác. Khi được hỏi liệu có ngại làm nghề này không, Mai trả lời bình thản: "Nghề “cầm chổi” như truyền thống của gia đình mà ngại gì anh! Bạn bè đều biết em làm công nhân quét rác”.
Còn chị Hồng Thị Kim Được (46 tuổi) có thâm niên 27 năm trong nghề chia sẻ: Gia đình chị có ba thế hệ theo nghề. Chị Được vào nghề từ khi mới 19 tuổi. Khi chúng tôi hỏi chị có mặc cảm gì không, chị chỉ trả lời ngắn gọn: "Nếu mặc cảm thì đâu có làm tới bây giờ". Ngồi kế bên chị Được, chị Dư Thị Thùy Linh (Đội phó Đội vệ sinh Tân Phú) đỡ lời: "Chúng tôi làm nghề này ít được tiếp xúc với xã hội vì đêm làm ngày nghỉ, do vậy cách giao tiếp không được tốt lắm. Đôi khi vất vả mười, nhưng chỉ chia sẻ một. Còn những nỗi niềm, đôi khi chất chứa lắm, nhưng rất khó nói ra…".
Hơn 21h, chúng tôi bắt đầu theo chân các chị tỏa đi các tuyến đường quét và thu gom rác cho kịp xe ép rác tới chở đi xử lý trong đêm. Trời đã dần về khuya, đường phố vắng vẻ hơn, nhưng cũng là lúc mà những người quét rác phải hết sức cẩn thận, đề phòng tối đa những sự cố ngoài ý muốn. Chị Hồng Thị Kim Đượcvà em Cao Thanh Mai, người quét, người gom nhịp nhàng, đồng thời cảnh giác cho nhau trước dòng xe qua lại vội vã trong đêm muộn. Bất chợt, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh một người đổ thức ăn thừa từ một quán ăn ven đường khi thấy bóng dáng công nhân vệ sinh. Hai người công nhân vệ sinh không một lời phàn nàn và cần mẫn làm nhiệm vụ của mình. Chúng tôi hỏi: "Chị có thấy chạnh lòng không?". Chị Được đưa tay lau vội giọt mồ hôi trên trán, nói nhỏ nhẹ: "Quen rồi em ạ!".
Trời lúc nửa đêm trong lành, mát mẻ, quay trở lại địa điểm tập kết rác (để xe ép rác chuyển đi), chúng tôi gặp lại anh Huỳnh Thanh Toàn đã chờ sẵn từ lâu. Như chia sẻ thay cho các anh chị em công nhân, anh Toàn trần tình: "Dù làm vất vả là vậy nhưng lương công nhân thấp lắm, chỉ vừa đủ mức sống tối thiểu thôi!" Thế mới thấy, dù cực khổ, thức khuya dậy sớm, thu nhập chưa tương xứng với những gì cống hiến cho xã hội, nhưng những công nhân vệ sinh vẫn "chung thủy" với nghề. Tình yêu nghề khiến họ có thêm nghị lực, niềm tin để vượt qua mọi khó khăn, âm thầm giúp cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.