(HNM) - Một trong những vấn đề lớn của Tập đoàn VNPT khi thực hiện tái cấu trúc là xử lý bố trí sử dụng lao động để cán bộ, nhân viên được làm đúng việc và xử lý lao động dôi dư.
- Tổng Giám đốc Tập đoàn từng phát biểu: Phải xây dựng mô hình VNPT chuyên nghiệp, chuyên biệt và hiệu quả. Trong năm 2014 VNPT đã hoàn thành việc tái cơ cấu tại VNPT 63 tỉnh, thành phố, ông có thể cho biết cụ thể về việc này?
- VNPT 63 tỉnh, thành phố là những đơn vị chiếm khối lượng lao động lớn nhất với 36.000 người và sở hữu khối lượng tài sản, mạng lưới rất lớn của Tập đoàn, do vậy, đây chính là khối đơn vị thực hiện tái cơ cấu đầu tiên. Năm 2014, VNPT đã tái cơ cấu xong ở 63 tỉnh, thành phố (VNPT Hà Nội là đơn vị hoàn thành tái cấu trúc cuối cùng tháng 11-2014).
Bố trí lao động đúng việc, không để dôi dư trong quá trình tái cơ cấu VNPT. Ảnh: Hải Anh |
Có thể nói, trước đây VNPT xây dựng trên mô hình tổ chức đa nhiệm nên hoạt động không chuyên nghiệp, chuyên biệt lao động đảm nhận nhiều vị trí dẫn đến trách nhiệm và hiệu quả không rõ ràng… Chúng tôi đã tái cơ cấu theo hướng chuyên nghiệp, chuyên biệt và hiệu quả bằng tách bạch các hoạt động sản xuất, kinh doanh với hoạt động kỹ thuật. Chúng tôi cũng đã điều chuyển một lượng lớn lao động (tới 17.000 người, tương đương 40% lao động) của các viễn thông tỉnh, thành phố sang bán hàng và chăm sóc khách hàng, thay vì trước đây chỉ có 10% lao động bán hàng. Cùng với đó, VNPT đưa vào áp dụng hệ thống quản trị hoàn toàn mới, hiện đại. Tất cả viễn thông tỉnh, thành phố đều có một chiến lược rõ ràng thông qua hệ thống bản đồ chiến lược, sau đó xây dựng hệ thống quản trị chiến lược bằng công cụ thẻ cân bằng điểm (BSC) và hệ thống quản trị nguồn nhân lực 3Ps. Với hệ thống quản trị nguồn nhân lực này, mỗi người lao động sẽ có một vị trí công việc rất rõ ràng, được miêu tả rõ chức danh, kết hợp với hệ thống từ điển năng lực cho từng vị trí công việc. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ đánh giá người lao động có đáp ứng được yêu cầu của công việc hay không, cần đào tạo bổ sung kiến thức gì. Sau đó Tập đoàn cũng xây dựng thêm hệ thống đánh giá năng suất, chất lượng và hiệu quả. Kết hợp 3 yếu tố này chúng tôi có một hệ thống quản trị nguồn nhân lực và phân bổ tiền lương mới của VNPT. Với các bộ công cụ này, VNPT đã chuyển từ chiến lược của Tập đoàn thành hành động cụ thể của từng bộ phận và từng cá nhân, quản trị tất cả mục tiêu, chiến lược theo từng tháng, từng quý. Nói ngắn gọn thì hai điểm mấu chốt là tái cơ cấu theo hướng chuyên nghiệp và đưa hệ thống quản trị hiện đại vào doanh nghiệp.
- Vậy còn hàng nghìn lao động dôi dư sẽ được giải quyết thế nào thưa ông?
- Nguyên tắc tái cơ cấu của VNPT là để lao động phải làm việc hiệu quả. VNPT không ép bất kỳ ai nghỉ việc mà chỉ yêu cầu nhân viên phải làm việc có hiệu quả. Việc phân phối thu nhập dựa trên kết quả lao động, do vậy, phải sắp xếp, điều chuyển lao động vào các vị trí phù hợp, phát huy được năng lực, khả năng cống hiến của mỗi cá nhân. Nếu như lao động nào không đáp ứng được công việc sẽ có mức thu nhập thấp và ngược lại, sẽ không có chỗ cho lao động "ngồi nhầm chỗ, hưởng nhầm lương". Đến nay, điều quan trọng nhất chúng tôi nhận thấy là sự thay đổi ý thức rất tích cực từ đội ngũ cán bộ, nhân viên. Họ đã hiểu rằng mình phải làm việc. Đó chính là sự thay đổi về nhận thức của các cán bộ, nhân viên về vấn đề tái cơ cấu, về sự thay đổi này là tất yếu, là tự thân.
Bên cạnh việc sắp xếp lại nhân sự, năm 2014, VNPT dự trù kinh phí xử lý, hỗ trợ hoạt động dôi dư là 500 tỷ đồng, nhưng chỉ mới sử dụng gần 300 tỷ đồng. Đồng thời, chúng tôi cũng đào tạo lại nguồn lao động, tùy vị trí công việc, VNPT sẽ cho đào tạo lại, nâng cao chuyên môn trong khoảng 3-6 tháng (dự kiến năm 2015 chúng tôi dành 500 - 1.000 tỷ đồng cho công tác đào tạo).
- Chính phủ đã đồng ý cho phép VNPT thành lập 3 tổng công ty. Vậy ông có thể cho biết kế hoạch này đã được triển khai như thế nào?
- Hiện, chúng tôi phải chờ phê duyệt thành lập 3 tổng công ty của Bộ Thông tin và Truyền thông mới có phương án cán bộ. Dự kiến phương án cán bộ từ Hội đồng Thành viên sẽ trình vào tháng 3-2015. Đối với vấn đề dịch chuyển lao động khối các phòng, ban chức năng, VNPT sẽ tái cấu trúc theo hướng: VNPT thực hiện công tác chiến lược, kế hoạch, giám sát, quản trị… Mọi công tác điều hành sẽ chuyển về các tổng công ty; các phòng, ban tương ứng sẽ dịch chuyển theo hướng đó. Nói tóm lại, bộ máy tập đoàn sau tái cấu trúc khác với lúc chưa tái cấu trúc nên chắc chắn sẽ có sự dịch chuyển. Nhưng, chi tiết như thế nào phải đợi kế hoạch cụ thể. Quan trọng nhất là phải xây dựng một lộ trình triển khai, làm sao bảo đảm 30 triệu khách hàng của VNPT cảm nhận được chất lượng dịch vụ ngày càng tốt, làm sao sắp xếp bố trí 42.000 lao động đúng người, đúng việc và làm sao để nguồn vốn hơn 100.000 tỷ đồng của VNPT phát huy hiệu quả. Đó là bài toán đặt ra cho Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn trong giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.