Họ là những đồng nghiệp có thể đã quen thân hoặc còn xa lạ, nhưng những ý tưởng tốt đẹp đã đưa họ lại gần nhau và cùng đứng tên trong một êkíp sáng tạo. Thường thì, bằng thế mạnh và ngôn ngữ của riêng mình, họ chắp cánh cho nhau và cùng nhau tỏa sáng.
Họ là những đồng nghiệp có thể đã quen thân hoặc còn xa lạ, nhưng những ý tưởng tốt đẹp đã đưa họ lại gần nhau và cùng đứng tên trong một êkíp sáng tạo. Thường thì, bằng thế mạnh và ngôn ngữ của riêng mình, họ chắp cánh cho nhau và cùng nhau tỏa sáng. Thế nhưng, không phải lúc nào giữa họ cũng có được sự chia sẻ như vậy mà quả thực mối quan hệ này là một vấn đề tế nhị, thậm chí, khi vở diễn hoàn thành cũng là lúc họ không còn muốn nhìn mặt nhau nữa...
Khi tiếp nhận kịch bản, là lúc người đạo diễn đã tìm thấy ở đó những vấn đề mình tâm đắc cùng tác giả, đồng thời mong muốn được chia sẻ nó với khán giả bằng hình tượng vở diễn. Và, họ ngồi lại với nhau, cùng bàn bạc thống nhất phương án khả thi nhất cho vở diễn ra đời. Nếu như, giữa hai cái Tôiđầy cá tính ấy đều có chung sự đồng cảm, trăn trở, gặp nhau từ cách nghĩ đến cách làm thì họ sẽ cùng thăng hoa và thêm gắn bó trong mỗi bước đi của sáng tạo. Ngược lại, sự vênh nhau ít nhiều về quan điểm sẽ dần đưa họ xa nhau thậm chí trở nên mâu thuẫn kịch liệt, nhất là khi kết quả vở diễn đã được định đoạt, bộc lộ nhiều điểm yếu thì họ không còn làtri kỷ nữa. Lúc này, đạo diễn thanh minh tại kịch bản yếu, rằngcó bột mới gột nên hồ, rằng cố gắng lắm cũng chỉ được đến thế... Tác giả lại khăng khăng cho rằng do đạo diễn kém tài, phá kịch bản... và có thể họ sẽ chẳng bao giờ hợp tác với nhau nữa.
Thực ra, ở mỗi thành phần nghệ thuật, dù là tác giả, đạo diễn, diễn viên... đều có ngôn ngữ đặc trưng của riêng mình. Tác giả kịch bản nói bằng lời thoại, bằng nội dung và tư tưởng chủ đề. Đạo diễn nói bằng nghệ thuật cấu tứ, bằng những miếng trò... chuyển kịch bản dưới dạng văn bản (tĩnh) thành tác phẩm sân khấu (động) sinh động, có đời sống riêng. Nếu hiểu vàtôn trọng lẫn nhau thì giữa họ sẽ là khát vọng của những người tri kỷ, họ sẽ gặp nhau ở những lý tưởng cao đẹp, cùng gạn đục khơi trong để cống hiến cho đời những gì tinh túy. Và vở diễn sẽ là kết quả của những niềm đam mê chung ấy.
Ai từng tham dự Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại Hải Phòng đều được biết tường tận dư âm về sự vênh nhau giữa tác giả và đạo diễn của hai trong số những vởbi đát nhất. Tác giả kịch bản của vở diễn Như một huyền thoại - Đoàn kịch Hải Phòng và Con thuyền chở linh hồn của Nhà hát kịch T.Ư đau đớn thốt lên rằng đó không phải kịch của mình, tác giả N.A.B còn giận đến mức không đi hội diễn... còn tác giả N.Đ.C thì than thở kịch chỉ còn hai cảnh là của anh.
Tác giả là người viết Tích và đạo diễn sẽ là người tìm Trò từ Tích ấy. Nhưng trong thực tế có đạo diễn lại bắt tác giả sửa Tích theo Trò, sáng tác miệng ngay tại sàn diễn. Nghệ thuật vốn không từ chối những sáng tác ngẫu hứng, nhưng xác suất của sự thành công không nhiều và thường mang dấu ấn của sự cẩu thả, vội vã. Bởi vì cứ mải mê, say sưa dựng trò, nên đến lúc chợt nhận thấy đã đi quá xa mới đành... sửa tích theo trò, trở về gần với cách làm của tổ tiên xưa. Một số đạo diễn dựng vở theo cách làm công nghiệp, đoàn mời thì vì nể quá nên nhận lời và có vào thì khắc có ra, cầnnhanh được nhanh, muốn chậm được chậm, cần đất cho ngôi sao thể hiện sẽ có đất, đoàn có nhiều diễn viên nam thì cho nhiều nhân vật nam, nhiều nữ cho nữ... Vở tồi là tại kịch bản quá sơ sài, yếu về chuyên môn... và nếu như nghe được vài lời tâng bốc của một số nhà báo không chuyên lại quay sang vỗ ngực xưng hùng: Vào tay tôi mới được đến thế, vào ông khác biết đâu... đổ vở. Rồi, báo cáo xong, diễn vài ba buổi thì đóng vở cũng là... do khán giả thiếu mặn mà, thu không đủ chi.
Trong làng sân khấu cũng đã xuất hiện nhiều êkíp tác giả- đạo diễn rất hiểu ý nhau trong sáng tạo và có nhiều gắn bó như cố tác giả Nguyễn Đình Thi và cố đạo diễn Nguyễn Đình Thi, cố tác giả Lưu Quang Vũ và đạo diễn Phạm Thị Thành, tác giả Sỹ Hanh và đạo diễn Xuân Huyền... Nghệ sỹ nhân dân Phạm Thị Thành đã có cả bài tâm sự về sự ăn ý trong sáng tạo giữa bà và cố tác giả Xuân Trình khi làm vở Mùa hè ở biển cũng như hiệu quả của sự phối hợp ăn ý này. Giới sân khấu vẫn nhắc đến đạo diễn, nghệ sỹ ưu tú Xuân Huyền vớilòng tự trọng nghề nghiệp hiếm có. Ông chỉ nhận kịch bản khi tìm thấy trongnó những rung động và đồng cảm với những điều tác giả gửi gắm, nếu đã nhận tức là sẽ tôn trọng tác giả tới cùng. Dường như cũng chỉ có ông mới thẳng thắn chê kịch bản dở và trả lại, từ chối dàn dựng mà chẳng sợ... mếch lòng. Kịch bản dù của ai nếu được ông nhận lời thì chắc chắnnó sẽ là một vở diễn có nhiều điều để nói.
Mối quan hệ tác giả - đạo diễn quả thực rất tế nhị, nhiều khi vở diễn hoàn thành cũng là lúc họ không muốn nhìn mặt nhau nữa. Cuộc chiến dường như muôn thuở ấy có lẽ không ai phân xử được, nhất là với nghệ sỹ - khi cái Tôi bao giờ cũng gai góc và không dễ nhượng bộ. Thông thường, nếu đạo diễn thẳng thắn yêu cầu tác giả sửa kịch bản thì cũng có tác giả hợp tác, nhưng cũng không ít tác giả (nhất là các cụ cao niên) thì cắt bỏ dù một câu thoại cũng không hề đơn giản vì họ cho rằng đạo diễn với lối tư duykhác đã không hiểu và không nắm được ý đồ tác giả. Chỉ đến khi nào họ thiện chí ngồi với nhaubàn bạc một cách nghiêm túc để cùng nâng tầm cho kịch bản một cách hợp lý, tôn trọng nhau thì mới xóa được sự khập nhiễng, vênh nhau trong sáng tạo hiện nay. Chỉ mong sao trong lao động nghệ thuật mỗi tác giả - đạo diễn sẽ là tri kỷ của nhau để cùng nhau mang đến cho đời những tác phẩm nghệ thuật đích thực, chan hòa cả Tài lẫn Tình, tránh được những điều ra, tiếng vào ngoài những lời đã cùng nhau nói trên sân khấu.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.