(HNMO) - Chiều 10-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, để thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cần sửa đổi, bổ sung 8 luật, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Do vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết.
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để bảo đảm thực hiện kịp thời các cam kết trong Hiệp định CPTPP khi Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, từ ngữ được sử dụng trong dự thảo luật còn trúc trắc, khó hiểu nên Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát việc sử dụng từ ngữ cho dễ hiểu hơn. Cùng với đó, cần quy định nội dung về điều kiện đối với các cá nhân cung cấp dịch vụ bảo hiểm để tránh các trường hợp lừa đảo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu: "Cái gì quy định được cụ thể, bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thì chúng ta đưa vào luật, chứ đừng để chờ nghị định hướng dẫn".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Ban soạn thảo phối hợp với Ủy ban thẩm tra rà soát tất cả các quy định sửa đổi của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ bảo đảm phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao tinh thần chuẩn bị nội dung dự án luật của Chính phủ, bởi đây là dự án luật chuyên ngành, có nội dung phức tạp, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, hữu quan hoàn thiện dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, để kịp thời thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP, đề nghị cho trình dự án luật vào đầu kỳ họp thứ bảy, thông qua vào cuối kỳ họp để các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.