(HNM) - Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa và là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người. Văn học, nghệ thuật mang sứ mệnh và trách nhiệm rất lớn trong việc xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người.
Nhìn lại thời gian qua có thể thấy, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho văn học, nghệ thuật phát triển. Các cơ quan quản lý, hội văn học, nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, giới văn nghệ sĩ nỗ lực, cố gắng chung tay, góp sức phát triển văn học, nghệ thuật. Nhờ đó, lĩnh vực này đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp đáng kể vào những thành quả quan trọng của đất nước.
Song, nhìn nhận một cách khách quan, sự phát triển của văn học, nghệ thuật vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hiện dù mỗi năm có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời, nhưng lại thiếu những tác phẩm lớn, tầm cỡ, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, con người... Hạn chế này có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật còn không ít bất cập. Các cấp, các ngành, địa phương vẫn chưa nhận thức sâu sắc, quan tâm đầy đủ tới việc phát triển văn học, nghệ thuật...
Để văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ từ nhiều phía; trong đó, công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này cần được đặc biệt chú trọng. Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các hội, cơ quan liên quan xây dựng đề án phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 để trình Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Do đó, rất cần những ý kiến đóng góp quý báu, tâm huyết và trách nhiệm để đề án hoàn thiện, đáp ứng được yêu cầu phát triển của văn học, nghệ thuật trong thời đại mới.
Trong khi chờ đợi đề án được hoàn chỉnh và thông qua, các cơ quan quản lý cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn học, nghệ thuật phát triển thông qua các cơ chế, chính sách như hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế; chú trọng đầu tư cho công tác lý luận, phê bình, quảng bá văn học, nghệ thuật. Cùng với đó cần chăm lo đến đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng tài năng nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững nền văn học, nghệ thuật nước nhà.
Với trách nhiệm của mình, giới văn nghệ sĩ cần tự đổi mới mình, vừa có bản lĩnh, sự tỉnh táo, vừa có cách nhìn, cách nghĩ và phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hơn lúc nào hết, giới văn nghệ sĩ phải không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn, luôn bám sát cuộc sống. Bên cạnh việc phát hiện, phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay để lan tỏa trong cuộc sống, giới văn nghệ sĩ cũng cần mạnh dạn dấn thân hơn nữa vào những mảng thể tài "gai góc" để tìm chất liệu, phản ánh những vấn đề mới nảy sinh... Chỉ có như vậy, văn học, nghệ thuật của nước nhà mới có những tác phẩm hay, lay động lòng người, góp phần định hướng nhận thức cho công chúng.
Với sự chung sức từ nhiều phía, nền văn học, nghệ thuật ở nước ta sẽ phát huy tốt vai trò, sứ mệnh phát triển toàn diện con người, xứng đáng là bộ phận tinh túy của văn hóa, nền tảng tinh thần xã hội và là động lực phát triển đất nước bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.