Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương tạo động lực để Hà Nội đạt kết quả toàn diện

Thành Tâm - Ảnh: Viết Thành| 28/12/2018 16:26

(HNMO) - Tham luận của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương nhằm triển khai nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tham luận tại hội nghị.


Triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương

Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các bộ, ngành trong việc tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế... đã lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành, các cấp, chính quyền các địa phương, trong đó có TP Hà Nội. Đây chính là động lực, chỗ dựa vững chắc cho Hà Nội triển khai mạnh mẽ, quyết liệt toàn diện các giải pháp, biện pháp để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của Thủ đô.

Chính từ sự chỉ đạo của Trung ương, nỗ lực của cả hệ thống chính trị của Hà Nội, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, chuyển dịch đúng hướng; vai trò của thành phố trong việc liên kết, động lực cho phát triển kinh tế vùng và toàn quốc được thể hiện rõ nét.

Hà Nội đã hoàn thành 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Có 3/17 chỉ tiêu hoàn thành trước 2 năm so với Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,61%; kim ngạch xuất khẩu tăng 21,6%; khách du lịch đạt 26,4 triệu lượt (tăng 10,4%), trong đó khách quốc tế đạt 6 triệu lượt (tăng 21,3%)...

Năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 239 nghìn tỷ đồng, vượt 0,2% nhiệm vụ thu, tăng 12,5% so với năm 2017; giảm tỷ trọng chi thường xuyên từ 53,6% (theo dự toán Thủ tướng Chính phủ giao) xuống còn 50,8% (trong 03 năm 2016-2018, thành phố giảm tỷ trọng chi thường xuyên từ 58,8% xuống 50,8%, tiết kiệm 9.200 tỷ đồng); giải ngân kế hoạch vốn xây dựng cơ bản dự kiến đạt hơn 90%.

Năm 2018, Hà Nội đã thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, xây dựng chính phủ điện tử.

Thành phố đã chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa 61 thủ tục hành chính; đưa vào vận hành chính thức hệ thống phần mềm một cửa điện tử dùng chung 3 cấp; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 55%; đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng đạt 100%; các lĩnh vực kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội đạt hơn 98%; tỷ lệ hồ sơ đăng ký tuyển sinh đầu cấp trực tuyến đạt 86,5%. Thành phố thiết lập được 6 triệu 325 nghìn hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân (đạt 82,2%).

HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty. Năm nay, doanh nghiệp thành lập mới tăng 5% về số lượng, 31% về vốn.

Lũy kế 3 năm 2016-2018, thành phố có 73 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, bằng 92,5% so với giai đoạn 2011-2015. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, thu hút đầu tư của Hà Nội đạt kết quả nổi bật, nhất là vốn đăng ký FDI ước đạt 7,5 tỷ USD, gấp 2,3 lần so với năm 2017. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 340,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6%.

Diện mạo đô thị, nông thôn khởi sắc hơn. Nhiều công trình giao thông trọng điểm, cấp bách được hoàn thành. Thành phố đã xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường nước tại 129 hồ. Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đã hoàn thành sớm 2 năm so với mục tiêu đặt ra.

Đã có thêm 3 huyện cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tỷ lệ đạt 83,9%), vượt mục tiêu của cả nhiệm kỳ.

Cùng với đó, sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế của Hà Nội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện về chất lượng phục vụ và quy mô. An toàn thực phẩm được tăng cường, dịch bệnh được kiểm soát tốt...

Bên cạnh những kết quả trên, thành phố thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, trong đó đáng lưu ý là: Tiến độ xây dựng công trình trọng điểm còn chậm, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục khó khăn; nhiều trường trong khu vực nội thành có số lớp/trường, số học sinh/lớp vượt tiêu chuẩn quy định; xếp hạng Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) còn ở vị trí thấp; tình hình an ninh trật tự tại một số khu chung cư và khu vực nông thôn; tình hình tội phạm về ma túy, tín dụng đen, tội phạm cưỡng đoạt tài sản tại các chợ, bến xe còn tiềm ẩn phức tạp; công tác phòng cháy, chữa cháy hiệu quả chưa cao...

Thúc đẩy tăng trưởng gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương

Xác định năm 2019 là năm bứt phá của Kế hoạch 5 năm 2016-2020, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, phấn đấu hoàn thành 22 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, sau khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết, thành phố Hà Nội sẽ ban hành ngay Chương trình hành động để triển khai thực hiện, trong đó, tập trung 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trước tiên, thành phố sẽ thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại ngân sách gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thắt chặt chi tiêu thường xuyên. Thành phố sẽ chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao các chỉ số PCI, PAPI; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh chương trình chính phủ điện tử; từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh.

Về lĩnh vực văn hóa, thành phố ưu tiên bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa; tập trung các nguồn lực cho phát triển giáo dục; quyết liệt chỉ đạo giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Về lĩnh vực an sinh xã hội, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2019, tỷ lệ người nghèo giảm xuống còn 0,3%.

Với định hướng phát triển đô thị hiện đại, thành phố sẽ tập trung phát triển đô thị hạt nhân và 5 đô thị vệ tinh; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm; triển khai mạnh mẽ các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Cấp ủy, chính quyền Hà Nội cũng sẽ tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, giữ vững danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Đồng thời, thành phố sẽ tập trung rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố đã thay mặt thành phố đề xuất, kiến nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ những vướng mắc, thiếu đồng bộ trong việc triển khai các dự án đầu tư công, quan trọng quốc gia, đặc biệt là các dự án ODA, FDI, cũng như các dự án đầu tư tư nhân trong nước theo hình thức BOT/BT.

Hà Nội cũng mong muốn Trung ương sớm quyết định việc việc điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) để sớm khởi công; tiếp tục thực hiện dự án cải tạo sông Đáy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ TP Hà Nội về cơ chế, chính sách cũng như nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án lớn (hạ tầng khung, các đường vành đai, trục hướng tâm, giải quyết vấn đề môi trường...).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương tạo động lực để Hà Nội đạt kết quả toàn diện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.