(HNM) - Dù đã được nhiều lần phản ánh nhưng đến nay, hàng trăm người dân ở nhà A7, tập thể Tân Mai (phố Nguyễn Chính, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai) vẫn sống trong nỗi lo về sự xuống cấp của tòa nhà. Khu nhà này được sử dụng gần 40 năm, hiện cả bên trong và ngoài khối nhà được gia cố bằng cột, kèo sắt nhưng mức độ nguy hiểm, nguy cơ đổ sập luôn hiện hữu.
Từ phản ánh của người dân, phóng viên Báo Hànộimới đã đến khảo sát nhà A7 Khu tập thể Tân Mai và ghi nhận thực tế. Nhìn bề ngoài, ngôi nhà trông cũ kỹ, mốc meo, tường bong từng mảng. Bước vào trong khối nhà, cảm giác lo sợ lập tức xuất hiện khi tường nhà khắp nơi nứt nẻ, có nhiều vết nứt dài vài mét, độ rộng vết nứt có thể lọt ngón tay, tường và trần các tầng đều thấm dột. Nhiều căn phòng cửa bị vênh không thể đóng khít do nhà bị nghiêng lún, nền nhà cũng có chỗ cao, chỗ thấp.
Toàn bộ khối nhà được chống đỡ bằng hệ thống kèo, cột sắt bản to cả trong lẫn ngoài nhưng cũng không biết sẽ đỡ được ngôi nhà này được bao lâu nữa. Gặp gỡ phóng viên, ông Nguyễn Quang Thắng ở phòng 203 nhà A7, nguyên Tổ trưởng tổ dân phố 20, mang ra những tập đơn, tài liệu cung cấp cho phóng viên và thiết tha mong mỏi: “Chúng tôi đã sống trong cảnh nguy hiểm chực chờ này nhiều năm và mong báo chí có tiếng nói để các cơ quan chức năng quan tâm giúp người dân, chứ chúng tôi thật sự quá mệt mỏi vì sống trong lo lắng”.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Thắng, có người sợ hãi khi đang ngủ phải giật mình tỉnh giấc vì mảng tường ập xuống dù may mắn không bị rơi trúng. Có người lo chuyện nước mưa thấm vào tường, ngấm vào dây điện, bóng điện có thể dẫn đến chập cháy... Khổ nhất là những hộ có người già, trẻ nhỏ, mỗi khi mưa xuống hay có gió bão thì gia đình phải dùng nguồn lực kinh tế hạn hẹp di chuyển mọi người tới nhà trọ, khách sạn ở để bảo đảm an toàn vì nếu xảy ra sự cố thì dễ bị mắc kẹt.
Nhiều người dân sinh sống ở đây cho biết, cách đây hơn 10 năm, cơ quan chức năng đã xác định nhà A7 xuống cấp độ C. "Qua thời gian nhà tiếp tục hư hỏng nặng, nay chúng tôi lại nhận được thông báo đơn vị đo đạc thẩm định vẫn ghi nhận nhà xuống cấp mức độ C. Đây có phải là lý do tòa nhà mãi không được xây dựng lại, cứ để dân sống trong thắc thỏm lo âu. Nguy cơ đổ sập thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Nguyễn Quang Thắng băn khoăn nói.
Được biết nhà A7 được xây dựng theo dạng lắp ghép và được đưa vào sử dụng từ năm 1984, gồm có 50 hộ với hơn 200 nhân khẩu. Qua thời gian, khu nhà tuy có được cải tạo, nhưng vì là nhà lắp ghép nên không thể can thiệp nhiều dẫn đến tiếp tục xuống cấp nhanh. Năm 2010, thành phố có chủ trương cải tạo nhà tập thể cũ, khu nhà được Sở Xây dựng ra văn bản xếp loại nguy hiểm xuống cấp độ C cần ưu tiên cải tạo. Với chi phí 400 triệu đồng tòa nhà được chống đỡ bằng hệ thống giàn giáo cột sắt phần mái và tường từ tầng 1 đến tầng 5. Nhưng biện pháp tình thế này không thể ngăn tòa nhà xuống cấp. Tốc độ hư hỏng tiếp tục diễn ra nhanh khi tường và trần xuất hiện nhiều vết nứt, tách rộng và dài.
Trao đổi với chính quyền phường Tân Mai, Phó Chủ tịch UBND phường Đặng Ngọc Thắng khẳng định, phản ánh của người dân nhà A7 tập thể Tân Mai hoàn toàn đúng thực tế và chính quyền phường đồng cảm, thấu hiểu với lo lắng của nhân dân. Cách đây gần chục năm, được sự chấp thuận của thành phố, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD 6) đã cùng chính quyền khảo sát điều tra xã hội học tại khu nhà, trong đó 66,7% hộ đồng tình di dời, 30% không có ý kiến, còn lại không đồng tình chủ trương cải tạo xây dựng lại tòa nhà. Nguyên nhân là do chưa thống nhất được phương án đền bù, tái định cư. “UBND phường tha thiết mong muốn và đã có nhiều kiến nghị bằng văn bản đến các cơ quan chức năng để sớm có phương án thống nhất với người dân về thực hiện công tác di dời dân khỏi nhà nguy hiểm để khu nhà được xây dựng lại”, ông Đặng Ngọc Thắng nói.
Nhiều hộ dân ở nhà A7 đang mong mỏi được thành phố, các đơn vị liên quan quan tâm, hỗ trợ sớm triển khai xây dựng lại tòa nhà để được sống trong môi trường bảo đảm an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.