(HNM) - Dịch vụ truyền hình qua mạng internet (còn gọi là truyền hình OTT TV) được cung cấp theo hình thức xuyên biên giới đã có mặt ở thị trường Việt Nam từ năm 2016 và thu phí người sử dụng. Tuy nhiên, do không chịu sự kiểm duyệt về nội dung, nên không những tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng với các “nhà đài” trong nước, mà còn có nội dung vi phạm giá trị về văn hóa, lịch sử...
Cung cấp dịch vụ truyền hình OTT tại thị trường Việt Nam hiện nay, bên cạnh các “nhà đài” trong nước, còn có các nhà cung cấp truyền hình xuyên biên giới như: Netflix (Mỹ), iFlix (Malaysia), WeTV (Tencent - Trung Quốc), iQiYi (Baidu - Trung Quốc)... qua nền tảng ứng dụng App Store, Google Play Store và web. Trong đó, Netflix vào thị trường Việt Nam sớm nhất, hiện có khoảng 300.000 thuê bao, thu phí người xem cao nhất, hơn 3 triệu đồng/năm (260.000 đồng/tháng) - tùy theo nhu cầu khách hàng chọn gói cước và số lượng thiết bị. Các nhà cung cấp còn lại như iFlix, WeTV và iQiYi có mức phí thấp hơn. Nhìn chung, mỗi nhà cung cấp kể trên đều có thế mạnh, nhược điểm về kho phim, thanh toán...; song, đang đặt ra một số vấn đề về quản lý.
Ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam nhấn mạnh, các đơn vị truyền hình trong nước đưa một video lên OTT cũng phải kiểm duyệt, thì không có lý do gì mà những bộ phim của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung nhạy cảm về văn hóa lại không phải kiểm duyệt. Do vậy, cơ quan quản lý cần có biện pháp mạnh quản lý với các ứng dụng OTT nước ngoài khi cung cấp vào Việt Nam để tạo sự bình đẳng như các doanh nghiệp truyền hình trong nước, từ kiểm duyệt nội dung đến nộp thuế.
Cùng quan điểm này, ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Công ty Viettel Media (thuộc Viettel) cho rằng, cơ quan quản lý cần hành động quyết liệt để quản lý với truyền hình OTT xuyên biên giới, vì nếu không quản lý thì truyền hình OTT nước ngoài có thể sẽ cạnh tranh quyết liệt truyền hình truyền thống...
Theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), mặc dù đã chính thức cung cấp dịch vụ OTT TV tại thị trường Việt Nam; thu phí thuê bao hằng tháng đối với người dùng Việt Nam; nội dung truyền hình được chuyển ngữ sang tiếng Việt bằng phụ đề, nhưng đến nay các nhà cung cấp vẫn chưa có biểu hiện chấp hành quy định pháp luật về quản lý nội dung và dịch vụ. Các nhà cung cấp này chưa có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên mạng internet tại Việt Nam; nội dung truyền hình cung cấp không được biên tập, biên dịch theo quy định; phim điện ảnh, phim truyền hình chưa thực hiện các yêu cầu về biên tập, cấp phép phổ biến phim; thực hiện thanh toán quốc tế trực tiếp từ tài khoản thanh toán quốc tế của người dùng Việt Nam và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước Việt Nam. Cũng vì không tuân thủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực này, nên nhiều nội dung cung cấp vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, chống đối Nhà nước Việt Nam...
Để khắc phục tình trạng trên, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, cơ quan soạn thảo là Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã sửa đổi theo hướng hội nhập quốc tế, tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới được tham gia kinh doanh tại thị trường Việt Nam, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước trên cùng điều kiện pháp lý.
Ngoài ra, trong tháng 9-2019, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc với 4 nhà sản xuất ti vi lớn nhất tại Việt Nam là Samsung, LG, Sony, TCL và cả 4 hãng này đều cam kết sẽ gỡ bỏ ứng dụng OTT TV trên chức năng SmartTV, cũng như có các biện pháp ngăn chặn để không trở thành phương tiện phát tán dịch vụ không phù hợp quy định pháp luật Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.