(HNMO)- Chiều nay (15-11), Quốc hội tiếp tục họp tại hội trường để thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đại biểu Triệu Là Phan (Hà Giang) là người đầu tiên đóng góp ý kiến thảo luận trong chiều nay. Ông cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần chú trọng đến quyền sở hữu tư liệu sản xuất nói chung và đất đai nói riêng của nhân dân. “Vì đất đai là một loại tư liệu sản xuất đặc biệt, hàng hóa đặc biệt, nó không phải là tư liệu sản xuất bình thường giống các tư liệu sản xuất khác. Nông dân không có đất thì không là chủ, là vấn đề lúc nào cũng mang tính nhạy cảm, ngày càng bộc lộ nhiều mẫu thuẫn, nảy sinh ra nhiều điều quan trọng, khó giải quyết, kéo dài dai dẳng, gay gắt như đã và đang diễn ra. Nó cần được Hiến pháp quy định thành một điều riêng biệt trong hiến pháp, không nên đánh đồng với các tư liệu sản xuất khác. Cần coi đây là một trong những quyền cơ bản của con người, là mục tiêu thiết yếu của Hiến pháp, được tôn trọng như nhau với các quyền công dân khác và đảm bảo một cách bình đẳng, là lợi ích chung của mọi công dân”. Do đó, ông Phan đề nghị Quốc hội bổ sung thêm nội dung vào Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp: “Công dân có quyền được bảo đảm về đất sản xuất và đất ở” vào điều 37 của Hiến pháp...
Bên cạnh đó, Đại biểu Triệu Là Phan cũng cho rằng, nguồn tài nguyên quốc gia là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, do vậy cần bổ sung thêm một điều riêng biệt trong Hiến pháp để quy định về nguồn tài nguyên biển, đảo.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng: “...Sửa đổi Hiến pháp không chỉ tiếp tục khẳng định nước ta là một nước độc lập, dân chủ, có chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ (như điều 1), mà còn cần bổ sung khẳng định sự tự do của đất nước. Đó là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, tự do, dân chủ, có chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Quy định như vậy thể hiện tự do và dân chủ là một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ chính trị và của nhà nước ta”.
Ông Tám còn cho rằng, ở điều 3 có quy định là “thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” , đó là mục tiêu của nhà nước ta chứ chưa phải là đặc trưng của nhà nước.
Theo ông Tám, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được đưa lên chương II đã thể hiện Đảng ta rất tôn trọng quyền con người, các quyền và nghĩa vụ của công dân. Việc xác định quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân cho thấy, có 2 thứ quyền là quyền con người và quyền công dân. Bởi vậy, cần thiết phải có khái niệm rõ ràng về những quyền nào thuộc quyền con người? Quyền nào thuộc khái niệm quyền công dân?... Theo ông, “quyền con người được nhà nước tôn trọng và thừa nhận bằng hiến pháp và pháp luật chứ không phải theo quy định của hiến pháp và pháp luật”...
Còn theo Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng), trong chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân cần có điều riêng để quy định về “ chính sách trọng dụng nhân tài và đãi ngộ nhân tài của nhà nước”, gắn với 3 nguồn lực: Tài lực, vật lực và nhân lực. Hoặc có thể đưa điều này vào chương III về chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Đại biểu Lò Hải Ươi (Lai Châu) có ý kiến đóng góp vào điều 55 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ông Lò Hải Ươi đề nghị, “cần cân nhắc việc liệt kê tất cả các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế cũng như ghi nhận vai trò cố định của từng thành phần trong Hiến pháp”. Theo ông Ươi, “Hiến pháp nên ghi nhận nguyên tắc và thừa nhận sự tồn tại nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Đây là một trong những đặc trưng của nền kinh tế thị trường, khẳng định các thành phần kinh tế đều là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế và ghi nhận nguyên tắc tự do, công bằng, cạnh tranh bình đẳng, hợp pháp. Đồng thời, lựa chọn một số thành phần kinh tế, nhưng phải là thành phần kinh tế ổn định, điển hình cho chế độ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Về quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch nước, theo Đại biểu Lò Hải Ươi: “Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội về bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, thẩm phán các tòa án. Tôi cho rằng, với đội ngũ thẩm phán tòa án nhân dân hiện nay khoảng trên 7.000 người và nhiệm kỳ không theo nhiệm kỳ của Quốc hội thì việc trình Quốc hội phê chuẩn chỉ mang tính hình thức. Tôi đề nghị nên giao trực tiếp cho Chủ tịch nước thực hiện trên cơ sở tham mưu của Hội đồng Tư pháp quốc gia”. Ông Ươi còn có ý kiến đóng góp, tại điều 99 có nêu: “Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong một thời gian dài thì Phó Chủ tịch là quyền Chủ tịch”. “Tôi đề nghị, cần phải quy định rõ, thời gian dài là bao lâu (6 tháng hay là 1 năm)?”- Ông Ươi nhấn mạnh.
Chiều nay, rất nhiều Đại biểu Quốc hội đã có ý kiến về việc nên bổ sung quy định thành lập Tòa án Hiến pháp, hoặc Hội đồng Bảo vệ Hiến pháp. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần quy định rõ: “tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân”...
Ngày mai (16-11), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thảo luận Dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.