(HNMO) - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa có công văn gửi UBND huyện Gia Lâm về việc sơn thếp mảng chạm ở bậu cửa sổ di tích đền Phù Đổng.
Đền Phù Đổng là Di tích quốc gia đặc biệt do UBND huyện Gia Lâm quản lý. |
Ngày 18-3, một thành viên của nhóm Đình làng Việt trên Facebook có phản ánh nội dung “Không hiểu chuyện gì đã diễn ra với mảng chạm thế kỷ XVII ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm - Di tích quốc gia đặc biệt” kèm ảnh chụp.
Ngày 20-3, sau khi chỉ đạo Ban Quản lý di tích danh thắng phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm, UBND xã Phù Đổng kiểm tra tại di tích, Sở VH-TT Hà Nội đã có đánh giá sơ bộ về việc trùng tu di tích tại đây.
Cụ thể, tại di tích đền Thượng đang hoàn thiện việc sơn thếp cột, kèo nhà tiền tế, hậu cung. Tuy nhiên, tại các chân cột, vị trí tiếp giáp các cấu kiện khác, hình thức sơn không đều, chưa kín mặt gỗ, tạo sự nham nhở, không bảo đảm về mỹ thuật. Hai bức chạm nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XVII-XVIII hai bên bậu cửa và chấn song cửa sổ đã sơn đỏ, thếp vàng, không giữ được màu sắc như được ghi nhận tại hồ sơ xếp hạng di tích. Tại di tích chùa Kiến Sơ đang triển khai việc tu bổ, tôn tạo hạng mục Tam quan, lắp dựng khung kết cấu, hoành rui mái và xây tường, một số cột gỗ (tiếp giáp chân tảng) gia công thu nhỏ lại, toàn bộ số chân tảng được thay mới.
Trước vụ việc này, Sở VH-TT có công văn gửi UBND huyện Gia Lâm, ý kiến như sau: Cụm di tích đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, hiện do UBND huyện Gia Lâm quản lý trực tiếp theo phân cấp của UBND thành phố Hà Nội. Dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền Phù Đổng do UBND huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư đã được phê duyệt gồm các hạng mục: đình Hạ Mã, cụm đền Thượng, chùa Kiến Sơ, cụm đền Hạ, Miếu Ban... Tuy nhiên, việc sơn thếp hai bức chạm nghệ thuật chạm khắc thế kỷ XVII-XVIII hai bên bậu cửa và chấn song cửa sổ đã sơn đỏ, thếp vàng mà không được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt. Sở VH-TT Hà Nội đề nghị UBND huyện Gia Lâm đề xuất biện pháp xử lý những nội dung không bảo đảm yêu cầu của việc bảo quản, tu bổ di tích.
Bên cạnh đó, UBND huyện phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng tu bổ của các gói thầu đang thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật của công trình; thực hiện việc nghiệm thu theo quy định tại Điều 15 Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kết quả kiểm tra, đề xuất của UBND huyện Gia Lâm gửi về Sở VH-TT Hà Nội để xem xét giải quyết theo quy định trước ngày 10-4-2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.