(HNM) - Báo cáo của Chính phủ đã chỉ rõ hạn chế về "một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển của đất nước".
Chúng ta cần đặt vấn đề, tại sao trước đây không xuất hiện cán bộ sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện; không những vậy, còn lan rộng từ trung ương xuống đến địa phương, tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư nhân? Chúng ta cần phải xác định được nguyên nhân của căn bệnh này thì mới có thể điều trị hiệu quả.
Trước hết, chúng ta cần phân hóa, phân định một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm là những ai, nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của những cán bộ này để từ đó tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả. Trong bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm có hai nhóm. Một là "suy thoái về tư tưởng chính trị, không muốn làm vì không có lợi ích riêng". Hai là "sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm".
Với nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, không muốn làm vì không có lợi ích riêng, chúng ta có thể khắc phục được ngay bằng cách ưu tiên thay thế họ bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm. Chúng ta không thiếu cán bộ tốt. Do đó, cấp ủy các cấp có đủ thẩm quyền thay thế những cán bộ không tốt bằng những cán bộ tốt để có thể thực thi những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước một cách hiệu quả hơn.
Riêng nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm lại đang chiếm số đông. Chính nhóm này đang là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống. Có thể thấy, nhóm cán bộ này sợ vi phạm pháp luật vì hai nguyên nhân.
Nguyên nhân đầu tiên là một số văn bản pháp luật hiện hành, nhất là văn bản dưới luật còn thiếu tính đồng nhất. Tôi đã chứng kiến bên lề kỳ họp này, hai vị đại biểu Quốc hội cùng tranh luận về một nội dung của một điều khoản luật đang còn hiệu lực. Cuộc tranh luận khiến tôi rất tâm tư và lo lắng bởi lẽ nó đang xảy ra trong chính cơ quan lập pháp. Do đó, chúng ta không loại trừ khả năng sẽ xảy ra ở các cơ quan hành pháp, dẫn đến nhiều hệ lụy cho cán bộ thực thi công vụ.
Nguyên nhân thứ hai là công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng tiêu cực ngày càng đi vào thực chất, được triển khai quyết liệt, hiệu quả khiến nhiều cán bộ lo sợ bởi họ đã có vi phạm tương tự ở thời điểm trước đây. Chính điều này tạo ra hiệu ứng lây lan đến các cán bộ khác, hình thành tâm lý ngán ngại, sợ bị kỷ luật, nhất là bị xử lý hình sự. Trong số đó, không loại trừ một số cán bộ tâm huyết, có trách nhiệm nhưng không thể triển khai công việc bởi sự bất cập, thiếu đồng nhất của văn bản pháp luật.
Về lâu dài, Quốc hội, Chính phủ cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến công chức, viên chức để bảo đảm tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn. Trên cơ sở đó, hệ thống pháp luật đồng nhất sẽ bảo vệ, khuyến khích cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đồng thời, chúng ta cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa để giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên và tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Muốn vậy, chúng ta cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tất nhiên, chúng ta cũng cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc thực thi công vụ có hiệu quả hơn.
Trần Quốc Tuấn
Đại biểu Quốc hội, Đoàn Trà Vinh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.