Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sổ tay phóng viên: Thẻ tín dụng và cuộc chạy đua ”ảo”

Hà Linh| 01/03/2016 06:51

LTS: Từ hôm nay (ngày 1-3), Báo Hànộimới mở chuyên mục Sổ tay phóng viên trên trang 4 vào ngày thứ ba và thứ bảy hằng tuần. Trân trọng kính mời độc giả đón đọc và góp ý xây dựng chuyên mục.


Thẻ tín dụng và cuộc chạy đua ”ảo”

Không chỉ "chạy đua" về dịch vụ, các ngân hàng còn "chạy đua" cả về số lượng thẻ tín dụng phát ra. Đây cũng được xem như một tiêu chí "so bì" giữa các ngân hàng, thể hiện qua việc công bố số lượng thẻ phát hành vượt trội, "đè mặt" nhau. Người dân phần nào cũng tin tưởng vào những ngân hàng phát hành số lượng thẻ lớn. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, những con số thẻ được các ngân hàng công bố cũng "ảo", bởi số thẻ thực sự hoạt động không nhiều như số được công bố. Chả thế mà trong ví của không ít công chức hoặc nhân viên văn phòng có tới vài ba chiếc thẻ của nhiều ngân hàng khác nhau nhưng chỉ có 1-2 chiếc được sử dụng thường xuyên và chỉ là thẻ ATM dùng để rút tiền.

Ảnh minh họa từ internet


"Áp" chỉ tiêu phát hành thẻ mới, không ít ngân hàng đã đẩy nhân viên vào cảnh "cò kè", "lèo nhèo" với khách hàng với hy vọng thuyết phục khách hàng chấp nhận mở thẻ. Với "tiêu chí" đánh giá hoàn thành nhiệm vụ bằng số lượng thẻ tín dụng, những lời "chào mời" của nhân viên ngân hàng cũng trở nên "có cánh" nhằm thuyết phục khách hàng mở thẻ tín dụng. Nhiều khách hàng biết nhưng vì quá nể nên gật đầu chấp nhận. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu tất cả những người đã sở hữu chiếc thẻ tín dụng hiểu được tính hai mặt của chiếc thẻ tín dụng hay không?

Bên cạnh thẻ ATM, hiện nhiều người còn sở hữu chiếc thẻ tín dụng "tiêu trước, trả sau". Các ngân hàng mạo hiểm khi cho khách hàng "tiêu" rồi mới "trả"? Thực tế, khi cấp hạn mức cho khách hàng, ngân hàng đã yêu cầu cung cấp đủ giấy tờ, từ hợp đồng lao động, bản sao kê của ngân hàng 3 tháng gần nhất để có đầy đủ thông tin về chi tiêu..., nên thực tế, họ đã "cầm đằng chuôi". Khi có thẻ tín dụng trong tay, không ít người đã "tiêu văng mạng" mà không biết lãi suất phải trả cho các khoản chi trên thẻ tín dụng nếu vượt quá thời gian không phải trả lãi suất (tối đa 45 ngày) là rất cao, có thể lên đến hơn 20%/năm và hơn thế nữa. Vì thế, tiêu một nhưng có thể phải trả gấp 2, gấp 3.

Vẫn biết ngân hàng cần chạy đua để đạt được "chỉ tiêu" nhưng nếu hoàn thành bằng mọi giá thì thật không nên và để giữ uy tín cần coi trọng quyền lợi của khách hàng, ngay từ việc thông tin cụ thể, chính xác và đầy đủ về thủ tục mở thẻ, những điều khoản ràng buộc…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sổ tay phóng viên: Thẻ tín dụng và cuộc chạy đua ”ảo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.