(HNM) - Câu chuyện về tour giá rẻ, đưa khách từ nước ngoài vào Việt Nam đã được nhắc đến nhiều. Hệ lụy đã rõ, vấn đề là cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành để siết chặt kiểm soát loại hình du lịch này.
Khó kiểm soát
Trong tuần qua, hai trung tâm mua sắm tại Quảng Ninh là Thương trường quốc tế Hồng Nguyên và Cửa hàng mua sắm ASEAN đã bị các cơ quan chức năng kiểm tra. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều mặt hàng không có nguồn gốc xuất xứ được niêm yết giá như hàng chính hãng. Điều đáng nói, cả hai địa điểm này thường xuyên đón các tour giá rẻ có khách nước ngoài.
Còn tại Đà Nẵng, một trong 3 địa phương (Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh) xuất hiện nhiều tour giá rẻ cho khách Trung Quốc, Hàn Quốc..., các cơ quan chức năng cũng rất vất vả để quản lý hình thức du lịch này. Bởi, các tour giá rẻ thường được tổ chức “khép kín” từ hướng dẫn viên, quản lý đến khách sạn, điểm mua sắm nên rất khó để lực lượng chức năng thâm nhập.
Theo anh Nguyễn Thế Anh, hướng dẫn viên chuyên nghiệp ở Hà Nội, các tour giá rẻ có thể sử dụng hướng dẫn viên nội địa để làm bình phong, họ chỉ cần đi theo đoàn, không phải làm gì. Trong trường hợp gặp Thanh tra du lịch, họ mới phải trình thẻ và giấy tờ liên quan để hợp thức hóa. Việc hướng dẫn, điều hành tour trong thời gian ở Việt Nam đều do người của công ty tổ chức tour nước ngoài thực hiện.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vân Hải Xanh lý giải, đặc thù của tour giá rẻ là liên tục bố trí khách đến các cơ sở mua sắm, rồi chính số tiền hoa hồng mà công ty lữ hành, hướng dẫn viên nhận được sẽ bù lỗ cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, vận chuyển... mà họ đã chi cho khách tham gia tour. Song, hệ lụy của loại hình tour này chính là giá thành sản phẩm tại các cơ sở mua sắm thường cao hơn rất nhiều so với thị trường và sản phẩm bày bán lại không rõ nguồn gốc.
Hơn nữa, việc thanh toán tại nhiều cửa hàng không thông qua hệ thống ngân hàng của Việt Nam, dẫn đến thất thu thuế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh du lịch tại Việt Nam. Chưa kể, hướng dẫn viên thuyết minh không đúng về lịch sử, văn hóa tại điểm đến trong một số tour giá rẻ, khiến du khách hiểu méo mó về du lịch Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam, hiện tour giá rẻ vẫn xuất hiện tại Việt Nam, nhất là ở các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Vấn đề đặt ra là, việc quản lý tour giá rẻ cần đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường, bảo đảm chất lượng dịch vụ, bảo vệ quyền lợi du khách, hình ảnh điểm đến...
Chung tay vào cuộc
Các ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp, nhằm hạn chế những hệ lụy của tour giá rẻ. Từ việc tăng cường thanh, kiểm tra các tour du lịch quốc tế đến Việt Nam, các cơ sở bán hàng, đội ngũ hướng dẫn viên, đến những cơ chế để quản lý chặt loại hình này đều được thực hiện.
Đặc biệt, đầu tháng 7-2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch, trong đó có tour giá rẻ.
Gần đây, UBND thành phố Đà Nẵng có quy định, từ tháng 8-2019, bổ sung dịch vụ lữ hành vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai, niêm yết giá trên địa bàn.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vân Hải Xanh, khách ở một số quốc gia đến Việt Nam trong 6 tháng qua giảm so với những năm trước, một phần do các cơ quan chức năng siết chặt quản lý tour giá rẻ.
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam khẳng định, việc quản lý chặt chẽ, để môi trường hoạt động của tour giá rẻ lành mạnh hơn không phải là vấn đề mới. Điều quan trọng là phải có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng như: Công an, quản lý thị trường, kế hoạch - đầu tư, tài chính…, chứ không chỉ riêng ngành Du lịch.
Còn theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải, một trong những lý do để Hà Nội có thể ngăn chặn từ xa những hệ lụy của tour giá rẻ là do có sự phối hợp tốt giữa các ngành liên quan. Phải nắm rõ thông tin về hoạt động của các cơ sở mua sắm trên địa bàn thành phố, vì đó là điểm đến quan trọng nhất của các tour giá rẻ. Nếu quản lý chặt các cơ sở mua sắm, đồng thời không để các cơ sở này bắt tay với các tour giá rẻ, sẽ hạn chế được tối đa hệ lụy.
Dưới góc nhìn của hướng dẫn viên du lịch, anh Ngô Quý Tiên, hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội cho rằng, các hướng dẫn viên phải luôn giữ được sự tự trọng nghề nghiệp, có ý thức với nghề, không tiếp tay cho những người điều hành tour giá rẻ thu lợi bất chính từ du khách.
Ngoài ra, các hội và chi hội nghề nghiệp hướng dẫn viên cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức nghề nghiệp cho hội viên, nói “không” với những đề nghị làm bình phong cho những tour giá rẻ.
Ông Phạm Hải Quỳnh cho biết thêm, cần phải có cơ chế để các tour đến địa phương nào, thì phải sử dụng hướng dẫn viên và các dịch vụ trọn gói ở địa phương đó để dễ quản lý, hạn chế tối đa hệ lụy của tour giá rẻ. Nếu tour giá rẻ được tổ chức tốt, thì đây cũng là hình thức cạnh tranh bằng giá theo cơ chế thị trường. Khách du lịch vẫn phải chi trả cho các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, vận chuyển..., sẽ tạo doanh thu, việc làm, khuyến khích sản xuất, tiêu thụ hàng hóa ở điểm đến...
Những mặt trái của hình thức tour giá rẻ đã bộc lộ rõ và giải pháp xử lý cũng đã được xác định. Điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là sự chung tay, cùng vào cuộc của các ngành có liên quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.