Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý, khai thác cát, sỏi: Phân định rõ trách nhiệm

Ánh Dương| 10/12/2018 06:23

(HNM) - Vì siêu lợi nhuận, các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép sẵn sàng thực hiện mọi thủ đoạn để trục lợi, gây mất an ninh trật tự tại địa phương...

Cần phân định rõ chức năng, trách nhiệm của cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan để ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.


Điểm nóng - khu vực giáp ranh

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2016 đến nay, cơ quan chức năng cả nước đã thực hiện 902 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử phạt 798 tổ chức, cá nhân vi phạm khai thác khoáng sản với các hình thức: Giấy phép hết hạn, không giấy phép, vượt công suất cho phép, ngoài phạm vi được cấp phép... với tổng số tiền hơn 56 tỷ đồng.

Nhưng tình trạng vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi vẫn xảy ra ở nhiều địa phương với diễn biến phức tạp, nhất là địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố có tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn... chảy qua.

Chẳng hạn, tại Hà Nội, những khu vực có tuyến sông giáp ranh với tỉnh khác luôn nằm trong danh sách nguy cơ xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lê Anh Thư cho biết: Những địa phương lâu nay thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép là: Ba Vì (giáp ranh huyện Thanh Thủy, Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), Phú Xuyên (giáp huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên)...

Tại địa bàn huyện Phúc Thọ, năm 2017-2018, luôn nhức nhối bởi hoạt động ngang nhiên khai thác cát trái phép. Tại đây, Công ty TNHH An Thịnh Yên Lạc lợi dụng giấy phép do UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp, đã tiến hành hoạt động đào, xúc cát trái phép tại bãi cát sông Hồng, thuộc địa bàn xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ.

Còn tại địa bàn huyện Ba Vì (Hà Nội), nơi luôn "nóng" bởi hoạt động khai thác cát diễn ra phức tạp do có nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh giáp ranh: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc được cấp phép khai thác cát trên sông Hồng.

Ông Nguyễn Văn Châu, xã Minh Châu, huyện Ba Vì bức xúc: "Các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khu vực nào chúng tôi không rõ, nhưng cứ ban ngày thì họ nghỉ, đến đêm lại bắt đầu hút trộm cát ở ven bờ sông, gây ảnh hưởng kè Minh Châu và làm sạt lở vùng đất bãi. Chúng tôi phải thức đêm để canh, khua trống, đốt lửa, rọi đèn hò hét đuổi, thì họ mới dạt sang phía bên kia sông...".

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì cho biết: "Từ đầu năm đến nay, Công an huyện đã phát hiện, kiểm tra, bắt giữ 31 vụ với 46 đối tượng có hành vi khai thác cát lòng sông trái phép, xử phạt 1,27 tỷ đồng, tạm giữ 1 tàu cuốc, 29 tàu hút, 2 tàu chở cát... Mới đây (ngày 28-11), Công an huyện đã bắt giữ một tàu hút cát trái phép khi đang hút 40m3 cát ở lòng sông Hồng, thuộc địa bàn xã Cam Thượng. Các đối tượng khai thác cát trái phép vùng giáp ranh thường sử dụng tàu công suất lớn, tranh thủ đêm tối, khai thác trong thời gian ngắn khoảng 30 phút. Khi bị phát hiện, họ thường đối phó bằng cách tắt máy, rời khỏi tàu, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc bắt giữ, củng cố hồ sơ…".

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép chủ yếu do nhu cầu cát phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, trong khi nhiều địa phương thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các địa phương trong quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh chưa chặt chẽ...

Tránh tạo ra “khoảng trống" về pháp lý

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý chủ phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Hồng.


Trước thực trạng trên, các bộ, ngành và địa phương liên quan đã tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi. Trong đó, tại Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố đã yêu cầu các sở, ngành chức năng phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có cát sỏi trên địa bàn thành phố; thực hiện quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ, khai thác khoáng sản tại khu vực giáp ranh với các tỉnh: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên… Đồng thời, UBND thành phố cũng ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn thành phố, nhằm quản lý, bảo vệ có hiệu quả khoáng sản chưa khai thác…

Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động liên quan đến cát, sỏi lòng sông (bao gồm cả ở lòng hồ, cửa sông, cửa biển) từ khâu lập quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác... Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Lại Hồng Thanh cho biết, việc cụ thể hóa chính sách bằng những điều khoản trong dự thảo nghị định sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông gắn với yêu cầu bảo vệ sự an toàn của lòng, bờ bãi sông, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đáng chú ý, dự thảo nghị định nhấn mạnh vấn đề Nhà nước thống nhất quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông gắn với trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, các bộ, ngành liên quan từ khi lập quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác cho đến tập kết, mua bán, vận chuyển; phân định rõ vị trí, vai trò, chức năng, trách nhiệm của cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, tránh trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, tránh tạo ra “khoảng trống" về pháp lý và tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong công việc…

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn quốc hiện có khoảng 700 giấy phép thăm dò, hơn 700 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được UBND 61 tỉnh, thành phố cấp phép... Hầu hết hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông đã có giấy phép theo quy định với sản lượng khai thác hằng năm trung bình 70-90 triệu mét khối, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật liệu xây dựng và san lấp ở các địa phương...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý, khai thác cát, sỏi: Phân định rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.