Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý bếp ăn tập thể

Xuân Lộc| 07/06/2017 07:22

(HNM) - Liên tiếp thời gian qua, tại bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp của nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra không ít các vụ ngộ độc, khiến hàng trăm công nhân phải nhập viện. Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã chỉ đạo, siết chặt quản lý các bếp ăn tập thể trên địa bàn.

Còn nhiều vi phạm

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 3.200 bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, trường học…, trong đó có những bếp ăn phục vụ hàng nghìn người. Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cho biết, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể có vai trò quan trọng trong giữ gìn sức khỏe, nâng cao năng suất lao động của người lao động. Vì vậy, trong tháng 5-2017, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra 69 bếp ăn tập thể của 58 công ty tại khu công nghiệp, chế xuất và cụm công nghiệp. Kết quả đã có 14 bếp ăn của 13 công ty bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 76 triệu đồng.

Kiểm tra Nhà ăn A1-5 phục vụ cho cán bộ, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.


Dù từ đầu năm đến nay trên địa bàn Hà Nội chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể nào, song quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng vẫn phát hiện không ít sai phạm. Theo bà Nguyễn Ánh Nguyệt, vi phạm chủ yếu vẫn là bếp ăn chưa tuân thủ theo nguyên tắc một chiều, tủ đựng thực phẩm không có lưới phòng, chống côn trùng và động vật gây hại, các bếp ăn chưa thực hiện kiểm thực ba bước như quy định (kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế biến cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu). Ngoài ra, có những bếp ăn xuống cấp chưa được cải tạo, nền nhà trơn trượt, ứ đọng nước, bàn tay người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa bảo đảm vệ sinh, sử dụng chung dao và thớt thái cả thức ăn chín và thực phẩm tươi sống...

Điển hình như tại Nhà ăn A1-5 (số 15 phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng) cung cấp khoảng 300 suất ăn/ngày cho cán bộ và học sinh, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Mặc dù qua kiểm tra khu vực ăn uống tại đây tương đối sạch sẽ nhưng khu chế biến, nấu ăn đã xuống cấp, nền nhà ứ đọng nước. Thêm vào đó, tủ đựng thức ăn chín chưa có lưới chống côn trùng, thức ăn lưu mẫu được cất chung trong tủ đựng nước ngọt. Qua xét nghiệm nhanh các mẫu bát, đũa tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 6/15 bát bị xước, rửa chưa sạch, dương tính với tinh bột.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, quá trình thanh, kiểm tra cho thấy, ý thức của chủ doanh nghiệp, người kinh doanh, chế biến thực phẩm đã được nâng lên rõ rệt. Tất cả bếp ăn tập thể đều bảo đảm đầy đủ thủ tục về hồ sơ pháp lý, có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; nhân viên được khám sức khỏe, được xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ; sử dụng nguồn nước sạch để chế biến và rửa dụng cụ. Bên cạnh đó, 100% bếp ăn được kiểm tra có đủ dụng cụ chia gắp thức ăn, trang thiết bị dụng cụ dùng trong sơ chế, có kho bảo quản thực phẩm, đủ giá kệ kê cao.

Tăng cường kiểm tra trong dịp hè

Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là nguy cơ ngộ độc từ bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp lâu nay vẫn khiến các cơ quan chức năng “đau đầu”. Theo khảo sát của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 70% số vụ ngộ độc trong các khu công nghiệp là do thức ăn nấu ở nơi khác mang đến, khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Trong số 69 bếp ăn tập thể được cơ quan chức năng Hà Nội kiểm tra mới đây, chỉ có 10 bếp ăn do công ty tự nấu phục vụ nhân viên, còn lại 59 bếp ăn do công ty ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp và có 1.260 nhân viên tham gia chế biến thực phẩm. Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, công tác thanh tra, kiểm soát các bếp ăn tập thể cần được duy trì và tiếp tục tăng cường, nhất là kiểm soát nguồn thực phẩm. Riêng đối với những bếp ăn vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đề nghị lãnh đạo các công ty và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký hợp đồng cung cấp suất ăn công nghiệp có biện pháp khắc phục ngay những tồn tại được đoàn kiểm tra chỉ rõ. Cơ sở chỉ được hoạt động trở lại khi bảo đảm các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Không chỉ tăng cường thanh, kiểm tra đối với các bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, khu chế xuất, trong mùa hè này, cơ quan chức năng của ngành Y tế còn phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo tăng cường kiểm tra cả bếp ăn bán trú.

Ông Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, ngộ độc thực phẩm thường gia tăng vào mùa hè do thời tiết nóng bức khiến thức ăn rất dễ bị hỏng. Nhiều trường vẫn mở lớp học hè và duy trì bếp ăn, nhất là những trường mầm non. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu các trường học có tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh trong dịp hè phải thực hiện đúng nguyên tắc quản lý nuôi dưỡng, bảo đảm chất lượng bữa ăn, khẩu phần ăn của học sinh hằng ngày như vẫn thực hiện trong năm học. Mặt khác, yêu cầu các trường tiếp tục ký hợp đồng với các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra chất lượng, nguồn gốc thực phẩm của các nhà cung ứng, kiên quyết không để cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung ứng thực phẩm cho nhà trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý bếp ăn tập thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.