Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có nhiều bếp ăn nghĩa tình hoạt động đều đặn để mang đến các suất ăn ấm áp sự quan tâm, chia sẻ dành tặng bệnh nhân nghèo, những mảnh đời gặp khó. Giữ “lửa” cho các bếp ăn là những người có tấm lòng thiện nguyện, hết mình vì cộng đồng.
Những bếp ăn thiện tâm
Hơn 5h ngày thứ bảy (ngày 4-11), khi trời chưa sáng hẳn, đèn đường chưa tắt, nhiều người còn say giấc ngủ, thì những “đầu bếp” của nhóm Cơm nhà Thiện Tâm đã có mặt tại địa chỉ quen thuộc ở ngõ 68 đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy). Trong không gian ngăn nắp, những người phụ nữ thoăn thoắt chế biến các món ăn theo thực đơn gồm: Cơm gạo cẩm, gà nấu cải, rau xào, chả viên… Sau đó, khoảng 500 suất ăn nghĩa tình nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện K3 (cơ sở xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) dành tặng bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và người nhà của họ.
Đón nhận suất ăn từ nhóm Cơm nhà Thiện Tâm, bệnh nhân Trần Thị Hải, đến từ huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) xúc động: “Không may mắc bạo bệnh, phải tiêu tốn nhiều tiền điều trị, khiến gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn. Nhờ có những suất ăn miễn phí, khó khăn của chúng tôi được san sẻ phần nào”.
Chia sẻ về bếp Cơm nhà Thiện Tâm, bà Lê Thị Thúy Lan - người sáng lập bếp, cho biết, bếp hoạt động vào thứ bảy hằng tuần, bắt đầu từ năm 2020. Sau gần 3 năm, bếp đã đưa gần 24.000 suất ăn đủ dinh dưỡng, trang trí đẹp mắt đến nhiều địa điểm dành tặng bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Trong những địa chỉ tiếp nhận, Bệnh viện K3 là nơi quen thuộc nhất.
Cùng một tấm lòng, bếp ăn Hoa chùm ngây do bà Triệu Thị Hoa sáng lập, đặt tại khu vực đình Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) cũng “đỏ lửa” từ năm 2012 đến nay. Trung bình mỗi tháng, bếp Hoa chùm ngây đưa khoảng 4.000 suất ăn miễn phí vào Bệnh viện K3 và gần 800 suất vào Bệnh viện Thận Hà Nội, vào trưa thứ ba hằng tuần. “Người bệnh cần thay đổi khẩu vị, thực đơn thường xuyên nên chúng tôi chủ yếu đưa những suất ăn chay đến với họ”, bà Triệu Thị Hoa nói.
Tương tự, bếp ăn miễn phí Bệnh viện E do Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy cùng nhóm cán bộ, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện sáng lập, vận hành gần 10 năm qua. Hằng tháng, bếp cung cấp khoảng 1.500-2.000 suất cơm, 800-1.000 suất cháo cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện E và người nhà của họ...
Ngoài những địa chỉ nêu trên, thành phố Hà Nội hiện có hàng chục bếp ăn được vận hành bởi những tấm lòng thiện nguyện. Thống kê chưa đầy đủ của Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội cho thấy, riêng 10 tháng năm 2023, các bếp ăn nghĩa tình đã mang hơn 200.000 suất miễn phí đến với người gặp khó.
Nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả
Để các bếp ăn vận hành đều đặn trong thời gian dài, những người có trách nhiệm phụ trách đã kết nối những nhà hảo tâm bằng tấm lòng nhân ái, đồng thời sử dụng nguồn lực tài chính minh bạch. Quan trọng hơn, các bếp ăn có sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội - tổ chức có vai trò cầu nối, điều phối trong hoạt động nhân đạo ở Thủ đô.
Chia sẻ về cách thức hoạt động, bà Nguyễn Quỳnh Anh, người đồng sáng lập bếp Cơm nhà Thiện Tâm cho hay, những việc làm xuất phát từ trái tim tự bản thân nó sẽ chạm đến trái tim. Ban đầu, bếp Cơm nhà Thiện Tâm chỉ là nhóm nhỏ, cung cấp khoảng vài chục suất ăn/tuần. Qua thời gian, số người tham gia tăng lên, hiện có hàng chục “đầu bếp” tâm huyết thay nhau làm việc. Người ở quận Cầu Giấy đến, người từ quận Ba Đình sang, người bên quận Long Biên qua…, độ tuổi nào cũng có. Nhờ đó, bếp có đủ “nhân sự” từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, chế biến, cho đến khâu vận chuyển, đưa những suất ăn còn nóng hổi đến tay người gặp khó.
Về tài chính, những người sáng lập và tham gia vận hành bếp luôn tích cực đóng góp; đồng thời huy động sự ủng hộ từ những nhà hảo tâm trong xã hội bằng nhiều cách. Việc sử dụng nguồn lực xã hội bảo đảm công khai, minh bạch. Người ủng hộ có thể theo dõi trực tuyến chi tiết danh sách thu, chi, mức chi, mục đích chi, thời gian chi, địa chỉ đối tượng tiếp nhận…
Với cách làm này, hơn 10 năm qua, bếp cơm Hoa chùm ngây chưa bao giờ thiếu nguồn lực để vận hành cả về tài chính và nhân sự. Gắn bó với bếp ăn Hoa chùm ngây từ những ngày đầu cho đến nay, bà Đỗ Thị Hằng, trú tại xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) bộc bạch: “Càng ngày tôi càng thấy rõ ý nghĩa nhân văn của việc tổ chức bếp ăn tình thương, nên tôi sẽ tiếp tục tham gia cho đến khi nào sức khỏe cho phép”. Nhờ có nguồn lực dồi dào, ngoài việc trao tặng suất ăn miễn phí, bếp ăn Hoa chùm ngây còn thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện khác.
Nói về những mô hình ý nghĩa này, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu nhấn mạnh, những suất ăn có giá trị vật chất không lớn, song có ý nghĩa chia sẻ khó khăn, góp phần tiếp thêm động lực, niềm tin vào những điều tốt đẹp cho người gặp khó. Do đó, Hội luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các bếp ăn nghĩa tình “đỏ lửa” thường xuyên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.