(HNM) - Hàng loạt vụ tấn công khủng bố do Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện những ngày qua như đánh bom tại Thổ Nhĩ Kỳ, đặt bom làm máy bay dân dụng A321 của Nga nổ tung trên bầu trời Ai Cập, tấn công đẫm máu tại Paris (Pháp)… không chỉ gieo rắc nỗi sợ hãi trong lòng Châu Âu mà
Châu Âu tăng cường kiểm soát súng đạn để bảo đảm an ninh. |
Một trong những chi tiết đáng sợ của vụ khủng bố đẫm máu nhằm vào "kinh đô ánh sáng" thế giới ngày 13-11 là tấm hộ chiếu của một người tị nạn Syria được tìm thấy gần xác một kẻ đánh bom liều chết. Điều này khiến người ta liên tưởng đến khả năng những phần tử khủng bố IS có thể trà trộn vào dòng người tị nạn để vào Châu Âu một cách dễ dàng. Vì thế, những tranh cãi nảy lửa về chính sách nhập cư vốn căng thẳng bấy lâu càng trở nên phức tạp hơn khi các quốc gia Liên minh Châu Âu (EU) phải đối diện với lựa chọn khó khăn là nên tiếp tục theo đuổi chính sách mở cửa với những con người di cư đáng thương để rồi mạo hiểm đón cả khủng bố hay là đóng chặt cửa, phớt lờ nỗi đau của đồng loại?
Trong bối cảnh dòng người tị nạn vẫn đổ về Châu Âu như một điểm đến an toàn, việc tăng cường an ninh biên giới cũng như siết chặt kiểm soát súng đạn trên toàn lãnh thổ 28 nước thành viên EU trở thành câu chuyện thời sự. Đây cũng là lý do khiến Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp của EU nhóm họp tại Brussels (Bỉ) trong hai ngày 20, 21-11 để thảo luận các biện pháp kiểm soát tốt hơn biên giới bên ngoài Liên minh, ngăn chặn buôn lậu vũ khí và tăng cường trao đổi thông tin. Cuộc họp khẩn diễn ra 48 giờ sau khi Ủy ban Châu Âu (EC) tuyên bố hàng loạt các biện pháp chống buôn lậu súng. Theo Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker, gói đề xuất gồm các biện pháp thắt chặt việc kiểm soát mua bán và sở hữu súng sẽ giúp các nước EU đối phó tốt hơn với nguy cơ vũ khí rơi vào tay các phần tử khủng bố. Rõ ràng, muốn chống khủng bố, bảo vệ được người dân ngay trong lòng các thành viên EU thì phải chặn bằng được vũ khí tới tay những kẻ khủng bố. Vì thế, dư luận hy vọng các biện pháp mạnh vừa được EC thông qua sẽ sớm được Nghị viện Châu Âu (EP) và Hội đồng Châu Âu thông qua.
Trên tinh thần đó, trong cuộc họp bất thường này, các Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp của EU sẽ đề cập vấn đề thông tin hành khách hàng không (PNR), một hệ thống lưu trữ các dữ liệu chuyến bay của hành khách nhằm phát hiện những chuyến bay nghi vấn. Dự án này được đưa ra thảo luận trong EU từ 8 năm nay nhưng luôn bế tắc, đặc biệt tại EP do những nghi ngại về bảo vệ đời sống riêng tư và các dữ liệu cá nhân. Thế nhưng, sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu vào tòa báo Charlie Hebdo ở Paris hồi đầu năm, trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên EU, Luxembourg mong muốn đi đến một thỏa thuận về vấn đề này vào đầu tháng 12 tới. Không ít ý kiến cho rằng, tăng cường hợp tác trao đổi thông tin và kiểm soát biên giới là cần thiết vào thời điểm thách thức an ninh hiện nay để biết ai rời và vào EU. Vấn đề đặt ra là làm sao để có cách kiểm soát tốt nhất công dân Châu Âu, những người thường ít bị kiểm tra chặt chẽ so với những người dân của nước thứ ba.
Hàng loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris đêm 13-11 cho thấy, những kẻ khủng bố được "vũ trang tận răng" bằng tiểu liên AK đời mới nhất cùng những đai chứa đầy thuốc nổ để đánh bom liều chết. Một trong những nguyên nhân khiến những phần tử khủng bố có thể gây ra các vụ tấn công đẫm máu là chúng được trang bị một lượng lớn vũ khí có khả năng sát thương cao. Dù Pháp và hầu hết các nước thành viên EU đều coi việc thường dân sở hữu súng là bất hợp pháp, song từ các vùng xung đột tại Châu Âu thời gian qua, đặc biệt là khu vực Balkan, vũ khí đã được những kẻ buôn lậu đưa bất hợp pháp vào EU. Theo ước tính, dù các cuộc xung đột tại Balkan đã cơ bản chấm dứt vào cuối những năm 1990, nhưng vẫn còn tới 6 triệu khẩu súng thuộc sở hữu của các nhóm vũ trang ở khu vực này và trở thành "mặt hàng xuất khẩu chủ lực" của vùng Balkan tới EU. Cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol) cho rằng, một khi một khẩu AK hay thậm chí là súng phóng lựu được mua dễ dàng với giá 300-700 euro tại Châu Âu, các nhóm tội phạm có thể lập ra những kế hoạch tấn công tinh vi gây thương vong lớn.
Các vụ khủng bố ngay tại thủ đô Paris tráng lệ buộc nhiều nước trên thế giới, trong đó có EU phải xem xét lại chính sách an ninh quốc gia nhằm ngăn chặn một thảm kịch tương tự xảy ra. Không chỉ EU mà mỗi quốc gia thành viên đều có những biện pháp riêng, song tăng cường an ninh biên giới chung cũng như kiểm soát gắt gao súng đạn là giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa việc tiếp cận dễ dàng với vũ khí sẽ dẫn tới những thảm kịch đáng tiếc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.