Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng tạo và hướng thiện!

Mai Hoa| 03/07/2016 07:40

(HNM) - Văn học phải sáng tạo để khám phá con người trên nhiều bình diện khác nhau, không đơn giản là ca ngợi hay phê phán, mà quan trọng nhất là phải hướng thiện...


Quang cảnh Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ IV chủ đề “Văn học - 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016”. Ảnh: Hữu Đô


Dấu ấn một chặng đường

Thực ra đây không phải là một cuộc tổng kết toàn bộ đời sống văn học 30 năm. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, việc nhìn lại diện mạo, khuynh hướng, tính chất, đặc điểm và những dấu ấn của một tiến trình văn học qua góc nhìn của lý luận phê bình “không phải để làm con tính cộng các thành tích, mà chính là chỉ ra bước tiến mới của một chặng đường văn học, rút ra những bài học, những kinh nghiệm cần thiết trước mắt”. Đáp ứng mục tiêu ấy, có tới hơn 80 tham luận và rất nhiều ý kiến với các góc nhìn đa chiều được đưa ra tại “cuộc nhìn lại chặng đường văn học 30 năm”, tất cả đều khẳng định tiềm năng sáng tạo của một giai đoạn văn học để lại nhiều dấu ấn trong dòng chảy văn học, chỉ ra những yêu cầu, giải pháp nhằm tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ nền văn học nước nhà, đưa đời sống văn học lên một trình độ mới cao hơn, đậm bản sắc dân tộc, hiện đại, khoa học và hội nhập tích cực.

Nhìn nhận, đánh giá thành tựu của văn học thời kỳ đổi mới, PGS.TS Phan Trọng Thưởng cho rằng, mặc dù đổi mới là một quá trình không đơn giản, lại chịu nhiều yếu tố tác động, nhưng văn học 30 năm qua đã tận dụng được cơ hội lịch sử để đổi mới trên tất cả các phương diện, mà trước hết, đó là sự đổi mới về tư duy, đổi mới về quan niệm, đổi mới về nhận thức văn học như một thành tựu đặc biệt. Với nỗ lực nghiên cứu và dịch thuật, nỗ lực truyền bá và vận dụng, giới nghiên cứu văn học đã góp phần làm mới các lý thuyết, tạo ra sinh khí lý luận, học thuật mới, góp phần mở rộng tầm hiểu biết và trình độ tư duy, đổi mới phương pháp, thể thức tiếp cận, cập nhật, đối thoại với các nước trong khu vực và thế giới.

Trong số các tham luận và ý kiến trao đổi tại hội nghị, nổi lên những vấn đề được đặc biệt quan tâm, thể hiện ngay ở tên gọi của các tham luận, ví như: “Những thế hệ viết - Tiếp nối và khoảng cách” (Phong Lê), “Cần đọc hiểu” (Nguyễn Bắc Sơn), “Văn học Việt Nam đổi mới trong cơ chế thị trường” (TS Lê Thị Bích Hồng)… Cùng với đó, những phác họa bước đầu về đặc điểm văn học mạng cũng được đề cập như một tất yếu cùng với sự phát triển của internet. Bàn về vấn đề này, TS Đặng Mỹ Hạnh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định: “Trong thời đại của công nghệ hiện nay, văn học mạng có “đất” và có cơ hội để phát triển. Trên thực tế, nó đã phát triển rất phong phú, đa dạng nhưng cũng vô cùng phức tạp. Văn học mạng được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là “nền văn học của tương lai”. Tuy nhiên, vì ra đời muộn nhất, mới xuất hiện hơn 10 năm gần đây, nên loại hình văn học này còn cần thời gian để định hình phong cách và giới nghiên cứu cũng cần thời gian để đánh giá đúng những đóng góp của văn học mạng”.

“Không có hướng thiện, không còn văn chương”

Quan điểm này được nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh trong bài phát biểu kết thúc hội thảo, như một lời nhắn nhủ, chia sẻ cùng những người cầm bút cho cả chặng đường dài phía trước, cũng là khẳng định trách nhiệm quan trọng của những người đeo đuổi nghiệp văn chương. Mục tiêu ấy càng có ý nghĩa hơn khi đây là giai đoạn mà “tiềm năng sáng tạo lớn, đề tài, tư tưởng nghệ thuật phóng khoáng, nhà văn tự quyết định mình viết gì, viết như thế nào để khám phá con người trên nhiều bình diện khác nhau” (nhà thơ Hữu Thỉnh - PV). Chung quan điểm ấy, nhà thơ Đặng Hiển khẳng định: “Chỉ cần người viết có tâm thế đau đáu vì dân vì nước thì viết gì cũng sẽ dẫn người đọc chạm đến lòng yêu nước, yêu dân hoặc là những tình cảm cao thượng có khả năng nâng cao tâm hồn con người...”. Hay như quan điểm của nhà văn Võ Thị Xuân Hà: “Với văn học nghệ thuật thì không gì có thể thay thế được tài năng và tâm hồn chủ thể những người trực tiếp sáng tạo, tức là các văn nghệ sĩ. Sự nghiệp sáng tạo văn học nghệ thuật đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, bản lĩnh, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn, khách quan, khoa học”.

Trong thời gian tới, để văn học tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, nền văn học nước nhà cần có thêm những sự hỗ trợ cụ thể từ Nhà nước và xã hội. Đề cập đến vấn đề này, nhà văn Võ Thị Xuân Hà đưa ra những kiến nghị mang tính chất gợi mở, ví như ngoài chuyện kiến nghị lãnh đạo các cấp quan tâm đầu tư kinh phí hỗ trợ sáng tác, Hội Nhà văn Việt Nam cần phối hợp Viện Văn học mở các lớp bồi dưỡng, chuyên sâu, mở các trại sáng tác... Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm, bồi dưỡng giúp đỡ các nhà văn trẻ, bởi đây là lực lượng nòng cốt trong tương lai. Còn nhà văn Bích Ngân nêu ý kiến: “Cần có hệ thống tiêu chí và cơ chế làm việc khoa học để bảo đảm thái độ khách quan khi đánh giá, lựa chọn, bình xét và trao giải cho các tác phẩm văn học. Bên cạnh đó, đã đến lúc văn học Việt Nam cần được giới thiệu với thế giới bằng con đường dịch thuật và quảng bá rộng rãi...”.

Nhìn lại cũng là cách chỉ ra bước tiến mới. Nếu văn học Việt Nam luôn bám sát hiện thực cuộc sống, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ đích thực, thì chắc chắn văn học sẽ là nguồn lực mạnh mẽ, góp sức trong thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của nước nhà. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo và hướng thiện!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.