(HNM) - Đến nay, dù diện tích trồng rau an toàn được mở rộng, nhưng sức tiêu thụ thấp, chưa đáp ứng nhu cầu.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội, kết quả sau 3 năm triển khai đề án sản xuất RAT, Hà Nội hiện có khoảng 3.800ha rau được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn, phân bố ở 93 xã với sản lượng khoảng 295.000 tấn/năm, tương đương 800 tấn/ngày. Tính đến tháng 3-2013, Hà Nội đã lập 31 dự án xây dựng vùng RAT tập trung với tổng diện tích trên 2.000ha. Trong đó, có 9 dự án đã được phê duyệt đầu tư và đang thi công; 18 dự án đã được UBND TP chấp thuận cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư; 4 dự án đang xin chủ trương.
Rau an toàn được bày bán, giới thiệu đến người tiêu dùng. Ảnh: Bảo Lâm |
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thu nhập trung bình sản xuất RAT đạt khoảng 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Đây là mức khá cao giúp các địa phương có thế mạnh về rau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, trong 3 năm qua, thành phố và ngành nông nghiệp đã xây dựng hệ thống mạng lưới tiêu thụ RAT tại nhiều xã, phường, tổ dân phố. Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Thị Hoa cho biết, ngoài các chợ nông sản đầu mối, Hà Nội có 58 cửa hàng, điểm bán RAT được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh với sản lượng tiêu thụ trung bình 50 đến 120kg/ngày; 35 siêu thị đang tiêu thụ RAT với sản lượng 80 đến 200kg/ngày... Tuy nhiên, RAT vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Số lượng rau tiêu thụ qua hai kênh này chỉ chiếm 1-2% tổng sản lượng RAT.
Để giúp người tiêu dùng tin tưởng và nhận biết RAT, cuối năm 2012, Sở NN&PTNT đã triển khai thực hiện dán tem chứng nhận tại một số nơi sản xuất RAT. Hiện đã có 29 cơ sở sản xuất thí điểm dán tem nhận diện RAT, gồm: 10 doanh nghiệp, 10 HTX sản xuất, kinh doanh RAT có sơ chế và 9 xã dán tem đến hộ nông dân bán lẻ. Mỗi cơ sở được cấp một mã số đóng lên tem nhận diện để phục vụ tra cứu và quản lý nguồn gốc xuất xứ các loại rau. Năm 2013, Hà Nội sẽ mở rộng dán tem nhận diện cho các cơ sở sản xuất RAT đủ điều kiện theo nhu cầu và đăng ký của các địa phương. Đặc biệt, để giúp người dân có thể truy xuất nguồn gốc, Hà Nội đã xây dựng Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn. Theo đó, toàn bộ nông sản sạch, bảo đảm các tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc sẽ được đưa lên sàn giao dịch, giúp người tiêu dùng có thể tra cứu, kiểm soát nguồn gốc RAT khi cần.
Sau 3 năm triển khai đề án RAT, dù đạt được những kết quả tích cực song việc sản xuất và tiêu thụ RAT Hà Nội còn nhiều bất cập. Đặc biệt, khâu quản lý RAT còn lỏng lẻo, có tình trạng trà trộn giữa rau trồng ngoài vùng quy hoạch với rau trong vùng quy hoạch RAT hoặc vẫn có nơi trồng RAT theo vùng mà không đạt tiêu chuẩn. Theo Chi cục BVTV Hà Nội, từ năm 2010-2012 đã lấy trên 1.600 mẫu rau tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh RAT để kiểm tra, qua đó phát hiện 74 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép (chiếm 4,4%).
Ngoài ra, việc tiêu thụ RAT còn không ít khó khăn. Ông Đặng Bá Thắng, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì cho biết, RAT tại HTX Đại Lan đã được gắn tem nhận diện, tuy nhiên việc tiêu thụ ổn định qua siêu thị và các doanh nghiệp là rất ít. Ngoài ra, dù được quy hoạch vùng RAT nhưng mỗi hộ sở hữu một thửa ruộng riêng, bình quân mỗi hộ chỉ 2 sào, nên khó khăn cho việc quản lý, giám sát. Đáng lưu ý, giá bán RAT tại các siêu thị, cửa hàng vẫn cao do chịu nhiều chi phí trung gian, chưa hấp dẫn người mua. Hầu hết người dân phải tự bươn trải để tìm đầu ra.
Khó khăn nữa là rất ít doanh nghiệp đầu tư sản xuất RAT vì việc đầu tư dây chuyền, nhà sơ chế... mất hàng tỷ đồng trong khi việc thu hồi vốn rất chậm. Ông Phạm Văn Hưng, Công ty Hương Cảnh cho biết, công ty đã đầu tư trên 7 tỷ đồng để xây dựng nhà sơ chế, khu sản xuất tại Văn Đức (Gia Lâm) mà đến nay cơ sở vẫn không hoạt động hết công suất. Lượng RAT thu mua ít, hiệu quả thấp nên vẫn gặp nhiều khó khăn. Đề nghị thành phố có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Để gỡ khó cho sản xuất và tiêu thụ RAT, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt chỉ đạo, ngành nông nghiệp cần hỗ trợ tích cực giúp đỡ người dân về quy hoạch, quy trình, kỹ thuật sản xuất, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, nghiệm thu RAT. Cùng với đó, người dân phải nâng cao ý thức bảo đảm chất lượng, tuân thủ quy trình sản xuất RAT. Thành phố tiếp tục hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo thương hiệu, mở rộng mạng lưới tiêu thụ giúp người dân yên tâm sản xuất RAT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.