(HNM) - Sáng 4-8, Đoàn công tác đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã lên đường tới cửa khẩu đường bộ Salloum tiếp giáp với Libya, nhằm hỗ trợ nhập cảnh cho 28 lao động Việt Nam sơ tán từ vùng chiến sự Benghazi ở Libya.
Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đào Thành Chung cho biết đây là đoàn lao động Việt Nam đầu tiên sơ tán từ Libya qua ngả Ai Cập. Số lao động này được hai công ty trong nước gồm Vinaconexmec và SIMCO đưa sang Libya trong 3 đợt vào các năm 2012 và 2013 theo hợp đồng ký kết với các đối tác nước ngoài. Dự kiến, 28 lao động này sẽ tới thủ đô Cairo bằng xe buýt và được bố trí nơi ăn, chỗ ở cho đến khi mua được vé máy bay về nước.
Ai Cập đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận công dân các nước sơ tán khỏi Libya. |
Ngoài ra, theo kế hoạch, từ ngày 5-8, Công ty Hyundai Amco sẽ triển khai kế hoạch sơ tán 682 lao động Việt Nam từ Libya sang Ai Cập bằng máy bay thuê riêng. Số lao động này đang làm việc cho nhà thầu Hàn Quốc tại dự án "2000 Housing Projet" ở thị trấn Al-Qubbah, thành phố Al-Beida, miền Đông Libya. Dự kiến, chuyến bay đầu tiên vào ngày 5-8 sẽ chuyên chở khoảng 150 lao động Việt Nam quá cảnh qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Cairo. Xác định công tác hỗ trợ sơ tán công dân khỏi Libya là nhiệm vụ trọng tâm trong thời điểm hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã chuẩn bị nhiều phương án tiếp đón và bảo đảm ăn ở cho các lao động trong thời gian lưu trú tại Ai Cập. Ngày 2-8, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã gửi công hàm và có các buổi làm việc trực tiếp với Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Ai Cập đề nghị phía bạn hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sơ tán công dân Việt Nam ra khỏi Libya. Phía Ai Cập đã chấp nhận và cho phép lao động Việt Nam thiếu hộ chiếu được nhập cảnh vào Ai Cập qua cửa khẩu đường bộ để về nước; đồng thời tạo thuận lợi cho những người quá cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Cairo. Theo đó, phía bạn đã kéo dài thời gian quá cảnh từ 12 giờ theo quy định lên 72 giờ đối với lao động Việt Nam.
Trước đó, ngày 2-8, Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến cho biết sứ quán đang cố gắng phối hợp triển khai kế hoạch sơ tán lao động về nước càng sớm càng tốt, nhất là số lao động tại 2 khu vực xảy ra chiến sự là Tripoli và Benghazi. Theo báo cáo cập nhật, khoảng 1.050 người trong tổng số 1.550 lao động còn lại sẽ được các công ty sơ tán ra khỏi Libya trong những ngày tới.
Trong khi đó, anh Bùi Sỹ Phong, quản lý lao động tại Nhà máy Nhiệt điện Al-Khalij ở tỉnh duyên hải Sirte thuộc miền Bắc Libya, cho biết ngày 9 và 10-8, nhà thầu Hyundai E&C của Hàn Quốc sẽ thuê 2 chuyên cơ riêng chở tất cả lao động Việt Nam đang làm việc tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Al-Khalij ở tỉnh miền Bắc Sirte từ sân bay Misrata sang Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ rồi chuyển tiếp máy bay để về nước.
* Ngày 4-8, hơn 150 nghị sĩ Quốc hội Libya mới được bầu đã họp phiên chính thức đầu tiên tại thành phố Tobruk ở miền Đông trong bối cảnh các tay súng tiếp tục giao tranh tại quốc gia Bắc Phi nhiều dầu mỏ này. Tuy nhiên, các nghị sĩ ủng hộ Hồi giáo đã tẩy chay phiên họp; đồng thời kêu gọi tổ chức phiên họp đầu tiên của phe đối lập ở thủ đô Tripoli. Ngoài ra, vẫn còn 12 ghế bỏ trống do một số khu vực quá bất ổn nên không thể tổ chức bầu cử.
* Tình hình chiến sự tại Libya ngày một xấu đi buộc các nước phải nhanh chóng sơ tán công dân. Ngày 4-8, các nguồn tin ngoại giao cho biết Ai Cập đã quyết định thiết lập cầu hàng không Djerba - Cairo để sơ tán khoảng 6.000 công dân bị mắc kẹt ở cửa khẩu Ras Jedir trên biên giới Libya-Tunisia. Hoạt động trên được thực hiện theo một thỏa thuận ngày 2-8 giữa Tunisia, Libya và Ai Cập. Chính quyền Ai Cập đã chọn giải pháp cầu hàng không để hồi hương hàng nghìn công dân đang tập trung ở cửa khẩu Ras Jedir - nơi đang xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo. Cairo cũng không loại trừ khả năng hồi hương công dân bằng đường biển thông qua cảng biển Zarzis của Tunisia.
Trong khi đó, tàu tuần dương HMS Enterprise của Anh cũng đã cập cảng Malta chở theo 110 công dân Anh và Liên minh Châu Âu (EU) sơ tán khỏi Libya. Trước đó, ngày 2-8 một tàu chở khách đã đưa khoảng 250 công nhân của Tập đoàn Hyundai, phần lớn là người Philippines và Ấn Độ, từ Tripoli đến Malta. Khoảng 300 công nhân nước ngoài khác cũng đã di chuyển tới Malta bằng máy bay.
Sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm để đưa lao động tại Libya về nước Ngày 4-8, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn gửi Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB&XH thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về bảo hộ công dân Việt Nam tại Libya. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo tạm dừng việc đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya; Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya theo dõi sát tình hình, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐ-TB&XH có phương án, biện pháp bảo đảm an toàn tối đa cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương có kế hoạch đưa 281 lao động đang làm việc tại Tripoli và Bengazi về nước. Theo dõi sát tình hình thực tế, chuẩn bị phương án và thời điểm đưa toàn bộ lao động Việt Nam tại Libya về nước khi tình hình diễn biến xấu. Thủ tướng đồng ý cho sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để mua vé máy bay cho người lao động đối với những trường hợp chủ sử dụng lao động không có khả năng chi trả. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.