Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sẵn sàng cho một kỳ SEA Games biến động

Minh An| 22/07/2022 05:38

(HNMCT) - Cơ hội và khả năng đua tranh huy chương tại SEA Games 32 của thể thao Việt Nam đã dần bộc lộ sau Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á vừa diễn ra tại Campuchia. Danh sách 44 môn thi đấu được thông qua cùng một số môn khác trong chế độ "chờ", cho thấy thể thao Việt Nam khó có một mùa bội thu Huy chương Vàng (HCV) như kỳ SEA Games vừa qua.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam (áo đỏ) sẽ gặp nhiều khó khăn tại SEA Games 32. Ảnh: VFF

Biến động về chương trình thi đấu

Cụ thể, có 44 môn được thông qua, gồm điền kinh, thể thao dưới nước, cầu lông, bóng rổ, boxing, billiards, xe đạp, đua thuyền truyền thống, cờ, dance sports, đấu kiếm, bóng đá, golf, thể dục, hockey, judo, karate, thể hình, bi sắt, đua thuyền buồm, cầu mây, bóng mềm, tennis, bóng bàn, taekwondo, thể thao hiện đại (phối hợp các môn bơi, đạp xe, chạy), bóng chuyền, vật, cử tạ, wushu, cricket, lặn, floorball, thể thao vượt chướng ngại vật, võ gậy, jiujitsu, võ Khmer, kick boxing, vovinam, muay, taekwondo, pencak silat, thể thao điện tử; đua môtô nước.

Như vậy, vẫn có 32 môn, phân môn ở SEA Games 31 tiếp tục được tổ chức tại SEA Games 32. Một số môn có tên tại SEA Games 31 nhưng nay bị loại khỏi danh sách thi đấu ở SEA Games 32, như bắn súng, đua thuyền, bắn cung, cờ vua, kurash, futsal, bóng ném... - những môn đã mang về 33 HCV cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Đáng chú ý, bắn súng, đua thuyền (rowing, canoeing), bắn cung đều là những môn thi đấu của Olympic. Trong khi đó, như thông lệ, các nước chủ nhà luôn đưa vào danh sách các môn thể thao truyền thống của mình (môn thuộc nhóm 3). Lần này, Campuchia đưa vào chương trình thi đấu môn võ Khmer, cờ Khmer...

Trao đổi sau hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn cho rằng, trong thời gian tới, các quốc gia trong khu vực sẽ tiếp tục vận động và đề xuất với Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á nhằm đưa thêm các môn thi Olympic như bắn cung, bắn súng, đua thuyền canoeing và rowing vào chương trình thi đấu của SEA Games 32.

Tuy nhiên, khả năng những môn trên góp mặt ở SEA Games 32 vẫn rất thấp. Và ngay từ lúc này, thể thao Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế cho một kỳ SEA Games khá biến động về nội dung thi đấu so với SEA Games 31.

Thích nghi để hoàn thành mục tiêu

Thực tế, ngay khi SEA Games 31 kết thúc với việc đoàn thể thao Việt Nam giành tới 205 HCV, lãnh đạo ngành Thể thao chia sẻ rằng, thể thao Việt Nam sẽ khó lặp lại thành tích trên trong các SEA Games tiếp theo.

Chia sẻ ấy đến từ những trải nghiệm về chương trình thi đấu trong các kỳ SEA Games. Theo đó, kể cả nhóm môn trong chương trình thi đấu Olympic và ASIAD cũng khó xuất hiện liên tục vì những lý do đặc thù. Như lần này là câu chuyện “vắng mặt” của bắn súng, bắn cung, đua thuyền. Tiếp theo đó sẽ là việc phân chia nội dung thi đấu của từng môn. Đó mới là điểm mấu chốt để đánh giá khả năng giành huy chương của từng đoàn tham dự, trong đó có đoàn Việt Nam. Việc tổ chức hết hay không hết nội dung thi đấu như ở Olympic, ASIAD với những môn có trong chương trình thi đấu của các sân chơi lớn nói trên vẫn chưa có lời giải chính xác.

Thể thao Việt Nam khó tái lập thành tích giành được tại SEA Games 31 còn là do sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đoàn thể thao khu vực, đặc biệt là làn sóng nhập tịch vận động viên (VĐV). Điền kinh Thái Lan, nhờ chính sách nhập tịch VĐV, đã “lấy lại” hàng loạt HCV từ các VĐV Việt Nam ở các kỳ SEA Games gần đây. Gần đây nhất, đội bóng đá nữ  Philippines thực sự lột xác nhờ sự góp mặt của hơn chục cầu thủ nhập tịch, đã vượt qua đội tuyển nữ Việt Nam với tỉ số 
4-0 tại Giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2022.

Campuchia từng nhập tịch cho 2 đô vật gốc Iran, nhờ đó đã giành 1 HCV, 1 HCB ở SEA Games 31 ở môn vật. Đến SEA Games 32, có thể số VĐV nhập tịch của đội vật Campuchia sẽ cao hơn so với SEA Games 31, và như thế, đội tuyển vật Việt Nam khó lòng giành chiến thắng áp đảo tại môn này. Ông Tạ Đình Đức - phụ trách bộ môn vật (Tổng cục Thể dục thể thao) từng trao đổi, việc nhập tịch VĐV ở một số nước sẽ ảnh hưởng đến thành tích của đội tuyển vật Việt Nam ở các kỳ SEA Games tới. Tuy vậy, đó là một phần của cuộc chơi và các đô vật Việt Nam phải tìm cách thích nghi.

Thực tế, như chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn, thể thao Việt Nam đã quen với sự biến động về chương trình thi đấu ở mỗi kỳ SEA Games nên sẽ tìm ra cách thích nghi để có thể lọt vào nhóm 3 nước dẫn đầu SEA Games 32.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng cho một kỳ SEA Games biến động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.