(HNM) - Một trong ba chương trình nghệ thuật lớn kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh là đêm hòa nhạc giao hưởng tổng hợp
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ biểu diễn ở sân vận động trong chương trình “Giai điệu mùa thu” thay vì tại khán phòng. |
Lâu nay, dàn nhạc giao hưởng thường mặc định chơi trong các khán phòng với đầy đủ tiêu chuẩn về sự phân bố năng lượng âm, tính khuếch tán của trường âm và thời gian âm vang để đạt hiệu quả cao nhất cho khán thính giả. Trong khi, không gian của sân vận động rất lớn đòi hỏi lắp đặt hệ thống sân khấu, thiết bị âm thanh, ánh sáng và sắp xếp chỗ ngồi bảo đảm đáp ứng yêu cầu cao... Nhưng do mong muốn thực hiện chương trình nghệ thuật chất lượng cao, mang tính hàn lâm để đông đảo đối tượng công chúng được thưởng thức trực tiếp trong dịp kỷ niệm ngày lễ trọng đại của đất nước, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) phối hợp cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam lên phương án kỹ lưỡng cho lần tổ chức này.
Về phương án sân khấu và âm thanh, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, đã mời đơn vị thiết kế sân khấu uy tín đảm trách, trong đó đặc biệt chú ý tới hệ thống khuếch âm dành riêng cho giao hưởng, bảo đảm âm thanh trung thực đến mọi vị trí trên khán đài. NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam khẳng định: "Với nghệ sĩ chuyên nghiệp, biểu diễn ở không gian nào cũng là trước khán giả, luôn dồn hết tâm trí, khả năng thể hiện. Hơn nữa, một chương trình phục vụ ngày lễ đặc biệt của quốc gia, đưa âm nhạc hàn lâm đến rộng rãi công chúng luôn là ước mơ của bất cứ nghệ sĩ nào. Đêm diễn tới vừa là thử thách vừa là cảm hứng cho những người làm nghề".
"Giai điệu mùa thu" được xây dựng là chương trình hòa nhạc giao hưởng với dàn nhạc lớn theo phong cách bán cổ điển. Nhạc mục gồm những bản nhạc và ca khúc tiêu biểu của âm nhạc cách mạng Việt Nam, để dẫn dắt khán giả qua những thành tựu anh hùng của dân tộc ta trong chiến tranh cách mạng và sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển 70 năm qua. Đó là "Khúc khởi nhạc" (Trọng Bằng), "Vinh quang hồn dân tộc" (Đỗ Hồng Quân), "Miền xa thẳm" (Đức Trịnh), "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" (Nguyễn Tài Tuệ), "Sông Lô" (Văn Cao), chương 3 trích từ giao hưởng "Điện Biên Phủ trên không" (Trần Mạnh Hùng), aria "Cô Sao" (Đỗ Nhuận), "Chảy đi sông ơi" (Phó Đức Phương), "Bài ca Chim Ưng" (Đàm Linh), "Người Hà Nội" (Nguyễn Đình Thi), "Đường chúng ta đi" (Huy Du - Xuân Sách), "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam" (Chu Minh), "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" (Phạm Tuyên). Đặc biệt, trong toàn bộ chương trình có một phần âm nhạc quốc tế là chương 4 "Khúc tráng ca" trích từ Giao hưởng số 5 của nhà soạn nhạc Beethoven mà theo NSƯT Nguyễn Trí Dũng, thường xuất hiện trong các chương trình hòa nhạc kỷ niệm lớn, có âm hưởng phù hợp với các tác phẩm đã chọn ở trên. Chương trình do nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy với sự thể hiện của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Dàn hợp xướng Trường ĐH VHNT Quân đội và nhiều nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu như NSƯT Bùi Lệ Chi (đàn bầu), Bùi Công Duy (violon) và các ca sĩ: NSND Quang Thọ, NSƯT Dương Minh Đức, NSƯT Quang Huy, NSƯT Quốc Hưng, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Đăng Dương, Hà Phạm Thăng Long, Mạnh Dũng, Trần Hồng Nhung, Minh Thu, Nhật Thủy.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Phạm Đình Thắng cho biết: "Đây là chương trình biểu diễn miễn phí, tuy nhiên vì lý do an ninh và bảo đảm chất lượng của buổi diễn, ban tổ chức sẽ có hình thức phát vé mời đến người xem có nhu cầu".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.