Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản phẩm da giày xuất khẩu: Yếu tố cạnh tranh đã thiếu lại yếu

Thanh Mai| 23/03/2013 06:05

(HNM) - Hiện nay, Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về da giày; riêng thị trường EU xếp thứ hai sau Trung Quốc...

Song, phải thừa nhận thực tế rằng năng lực XK của ngành này còn yếu do thiếu khả năng tự thiết kế mẫu mã, bảo đảm vật tư nguyên liệu, quy mô sản xuất chưa đủ lớn, hạ tầng dịch vụ còn nhiều hạn chế, giá thành cao... Theo các chuyên gia, dù có đến 90% sản lượng XK, nhưng lợi nhuận thu về từ ngành này chỉ đạt 25% giá trị gia tăng.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm da giày hàng đầu trên thế giới. Ảnh: Linh Ngọc


Thách thức nằm trong cơ hội

Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của ngành da giày: Gia tăng các luồng chuyển giao vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường. Song, hội nhập cũng mang lại không ít khó khăn và thách thức. Các DN sản xuất giày da đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các thế lực kinh tế mạnh trong khu vực và quốc tế.

Ngành da giày sử dụng nhiều lao động xã hội, chiếm khoảng 9% lực lượng lao động công nghiệp với mức chi phí nhân công thấp. Với dân số hơn 80 triệu người, thị trường nội địa cũng đầy tiềm năng. Mặt khác, với đời sống ngày càng được nâng cao, khả năng mua sắm ngày càng được cải thiện, đất nước hội nhập sâu rộng giúp ngành du lịch phát triển là những cơ hội để ngành phát triển theo hướng XK trực tiếp ngay ở trong nước. Những năm qua, giày dép XK vào EU tăng trưởng nhanh về khối lượng và kim ngạch, chiếm khoảng 54% tổng KNXK giày dép của Việt Nam. Từ năm 2004, Việt Nam đã vượt Italia và trở thành nhà cung cấp lớn thứ tư sau Trung Quốc, Brazil, Indonesia. Hiện nay và trong những năm tới, Mỹ sẽ là thị trường mục tiêu đối với sản phẩm giày dép và các sản phẩm XK chính sẽ là giày thể thao, giày da nam nữ… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Trước hết phải kể đến sự cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc. Hàng XK của Trung Quốc có ưu thế hơn của Việt Nam do trình độ công nghệ tiên tiến hơn, mẫu mã đẹp và đa dạng hơn. Mặc dù sức mua của thị trường EU vẫn ổn định, nhưng Việt Nam chịu nhiều sức ép về thuế và các rào cản so với một số nước như Brazil, Indonesia... Đặc biệt, từ ngày 6-10-2006, EU áp thuế chống bán phá giá giày mũ da sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang EU là 10%. XK vào Mỹ tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng thị phần của Việt Nam mới chiếm 2,1% về số lượng so với 83,5% của Trung Quốc. Với các thị trường khác như Liên bang Nga, các nước Đông Âu, Trung Đông, Châu Phi, tuy không yêu cầu cao về mẫu mã và chất lượng nhưng hàng Việt Nam vẫn chưa thể thâm nhập mạnh. Trong khi đó, nguyên vật liệu sản xuất của ngành này chiếm đến 80% giá trị sản phẩm, trong đó sản xuất da đóng vai trò quan trọng, nhưng các nhà máy thuộc da mới sản xuất và đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Ngành phụ liệu còn trầm trọng hơn, các DN mới chỉ sản xuất được một vài mặt hàng như nhãn, ren, dây giày... Những loại phụ kiện tinh xảo, vật trang trí trên giày, nhất là giày nữ và trẻ em vẫn phải nhập khẩu.

Nguy cơ mất khả năng cạnh tranh

Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành da giày Việt Nam trong năm 2013, nhưng chính trong cơ hội ấy lại là những thách thức không nhỏ. Khi TPP được thông qua sẽ có quy định bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu đối với sản phẩm giày để được hưởng ưu đãi thuế suất. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của DN Việt mới chỉ khoảng 40%. Ngoài ra, các chi phí đầu vào của DN trong năm 2013 dự kiến tăng khoảng 30%, như vậy sản xuất chưa chắc có lãi. Một thách thức lớn đang đặt ra với toàn ngành chính là năng suất lao động. Năng lực sản xuất của ngành chủ yếu tại các cơ sở ngoài quốc doanh và có yếu tố nước ngoài, chiếm hơn 90%. Tuy có lợi thế giá nhân công rẻ, lao động dồi dào, nhưng năng suất lao động rất thấp, trung bình trên một dây chuyền 450 lao động đạt mức sản lượng 500.000 đôi/năm, chỉ bằng 1/35 năng suất của Nhật, 1/30 của Thái Lan, 1/20 của Malaysia...

Hiện nay, trình độ công nghệ của ngành đang ở mức trung bình và trung bình khá, song lệ thuộc vào nước ngoài về trang bị máy móc. Khả năng đầu tư và chuyển giao công nghệ mới phụ thuộc vào nguồn tài chính hạn hẹp. Đội ngũ chuyên gia hiểu biết sâu và cập nhật công nghệ còn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Kinh nghiệm và khả năng đàm phán, ký kết hợp đồng về công nghệ còn hạn chế... Đây là những nguyên nhân làm hạn chế năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành. Điều này còn dẫn đến nguy cơ mất khả năng cạnh tranh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm da giày xuất khẩu: Yếu tố cạnh tranh đã thiếu lại yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.