Kinh tế

Ngành da giày hướng tới phát triển bền vững

Lam Giang 13/12/2023 - 20:45

Ngày 13-12, tại Hà Nội, Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam phối hợp với Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) tổ chức hội thảo “Các chính sách mới đối với các sản phẩm da giày nhập khẩu vào thị trường EU”.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Da giày và túi xách Việt Nam, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu với ngành da giày do nhận thức cũng như nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

13.12-hn-da-giay(2).jpg
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội Da giầy và túi xách Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Nếu như trước đây các hoạt động phát triển bền vững chủ yếu do khách hàng đưa ra và mang tính khuyến khích thì ngày nay đã được luật hóa thông qua chính sách được ban hành từ Chính phủ của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm da giày lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).

Điều đó cho thấy chuỗi cung ứng đã thay đổi và thách thức đặt ra là doanh nghiệp xuất khẩu cần phải chuẩn bị gì để tuân thủ các quy định mới và tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững. Bên cạnh đó doanh nghiệp cần xác định làm thế nào để giảm thiểu khí thải carbon trong quá trình sản xuất...

Chia sẻ tại hội thảo, ông Gerwin Leppink, chuyên gia đến từ tổ chức Wrap khẳng định, ngày nay, để xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ và EU, việc tuân thủ các quy định của cơ quan hải quan, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội… là điều bắt buộc. Điều này tác động tới cả người mua (nhà phân phối ở nước sở tại) và nhà cung cấp hàng hóa (doanh nghiệp xuất khẩu). Trong đó, người mua phải chứng minh nguồn cung ứng có trách nhiệm và tuân thủ các luật mới. Các nhà cung cấp chịu trách nhiệm với bên phân phối trong việc chứng minh rằng nhà máy của họ an toàn, công nhân của họ được đối xử phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, luật pháp địa phương và yêu cầu của người mua.

“Các nhà cung cấp có thể mất đơn đặt hàng nếu không tuân thủ các quy định và người mua có thể bị cơ quan chức năng thu giữ hàng hoặc từ chối lô hàng nếu có cáo buộc ngược đãi công nhân”, ông Gerwin Leppink nhấn mạnh.

giay-dep.jpg
Sản xuất, xuất khẩu da giày cần hướng tới phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường.

Từ thực tế này, ông Gerwin Leppink khuyến nghị, việc cạnh tranh đã chuyển dịch từ các công ty đơn lẻ sang cả chuỗi cung ứng, đòi hỏi người mua và nhà cung cấp cùng chung tay tuân thủ luật pháp và quy định mà khách hàng kỳ vọng. Ông đồng thời nhấn mạnh sự cạnh tranh nằm ở giá trị chứ không phải phụ thuộc chi phí thấp nhất.

Ông cũng khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bên mua hàng tập trung nhiều hơn vào quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, vào khả năng phục hồi. Họ cũng chuyển sang chiến lược tìm nguồn cung ứng song phương, đa phương, coi trọng giá trị bền vững, việc tuân thủ, minh bạch, truy xuất nguồn gốc đồng thời với sự linh hoạt của chuỗi cung ứng.

Cũng tại hội nghị nhiều nội dung liên quan tới phát triển bền vững đã được thông tin như: Những điều luật thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Cộng hòa Liên bang Đức; các kinh nghiệm thực hành trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người và môi trường của hãng giày Adidas; giải pháp giảm thiểu khí thải carbon trong quá trình sản xuất của các nhà máy giày dép hướng tới sản xuất không chất thải…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành da giày hướng tới phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.