(HNM) - Với những nỗ lực của các doanh nghiệp, cùng lợi thế cạnh tranh nhờ ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, hoạt động sản xuất, xuất khẩu da giày, túi xách từ nay tới cuối năm 2022 được kỳ vọng tiếp tục ổn định. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân về vấn đề này.
- Kết quả hoạt động sản xuất, xuất khẩu da giày, túi xách trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt được như thế nào, thưa bà?
- 6 tháng đầu năm 2022, khó khăn lớn nhất của ngành là thiếu lao động, chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí kho bãi, vận tải... tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu khá hạn chế do Trung Quốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các doanh nghiệp nhỏ hầu như không nhập khẩu được nguyên liệu cho sản xuất, buộc phải giảm đơn hàng. Tuy nhiên, với nỗ lực lớn của các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày, túi xách ước đạt hơn 13 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng trưởng này gần tương đương với năm 2019, khi chưa có dịch Covid-19. Nhìn chung, mức độ phục hồi của ngành trong 6 tháng qua khá tốt. Hầu hết các doanh nghiệp đều kín đơn hàng từ đầu năm đến nay.
- Bà đánh giá thế nào về nỗ lực vượt khó khăn của các doanh nghiệp?
- Các doanh nghiệp đã nỗ lực rất lớn để duy trì sản xuất, tạo tăng trưởng chung cho toàn ngành. Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, kịp thời hỗ trợ, giữ chân lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tích cực tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh đổi mới quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng nhân lực, tìm các nguồn tín dụng tốt để tái đầu tư cho sản xuất. Nhiều doanh nghiệp còn dịch chuyển về các vùng xa hơn, đầu tư các nhà máy sản xuất để tìm kiếm, bảo đảm các nguồn nguyên, phụ liệu.
Tuy giai đoạn vừa qua, nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận thấp hoặc gần như không có lợi nhuận, song hầu hết các doanh nghiệp vẫn tiếp tục nhận và duy trì đơn hàng để giữ đối tác, vượt qua khó khăn của giai đoạn trước mắt, với hy vọng sẽ được bù đắp ở giai đoạn tiếp theo.
- Triển vọng sản xuất và xuất khẩu da giày, túi xách trong 6 tháng tới như thế nào?
- Từ diễn biến thực tế hiện nay có thể thấy, tình hình sản xuất và xuất khẩu những tháng cuối năm 2022 còn đối mặt với nhiều khó khăn. Hiện nay, lạm phát tại các thị trường xuất khẩu, như Mỹ, Liên minh châu Âu… đang tăng cao khiến sức mua suy giảm, làm gia tăng lượng hàng tồn kho, nhất là với các mặt hàng da giày, túi xách thời trang theo mùa. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới số lượng đơn hàng từ nửa cuối năm 2022 cho đến đầu năm 2023.
Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam hiện có lợi thế cạnh tranh cao do được hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do nên khách hàng quốc tế vẫn rất quan tâm và đặt mua. Cùng với việc tích cực cải thiện các vấn đề về nhân công, nguồn cung nguyên liệu, chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp da giày, túi xách Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và đơn hàng, không chịu tác động quá lớn từ các thị trường lớn.
- Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đưa ra những giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời gian tới, thưa bà?
- Với vai trò cầu nối giữa Chính phủ với doanh nghiệp, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam tiếp tục nắm bắt tình hình chung, nhất là những khó khăn của các doanh nghiệp để kiến nghị các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ. Có thể kể đến như chính sách xuất, nhập khẩu tại chỗ từ đầu năm 2022 yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp thuế và chỉ được hoàn thuế khi đã xuất hàng đi. Điều này làm tăng chi phí của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp phải ứng vốn rất lớn để mua nguyên, phụ liệu. Hay kiến nghị của các doanh nghiệp về các điều kiện để hưởng trợ cấp, đặc biệt trợ cấp cho người lao động…
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối doanh nghiệp với các thị trường. Vào tháng 9, chúng tôi tổ chức hội nghị xúc tiến xuất khẩu, hay tháng 11-2022 là triển lãm quốc tế ngành da giày, túi xách với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp và khách hàng nắm bắt thông tin, cập nhật tình hình sản xuất, nhu cầu thị trường.
- Bà có kiến nghị gì để ngành da giày, túi xách Việt Nam tiếp tục phục hồi và phát triển ổn định?
- Để phát triển bền vững, ngành da giày, túi xách kiến nghị các cấp, ngành sớm hình thành các cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ; đồng thời nhanh chóng có chính sách giúp tận dụng, thu hút các nguồn lao động, nhằm bảo đảm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp da giày, túi xách cũng rất cần được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để tái đầu tư, đẩy mạnh sản xuất; tham gia nhiều hơn vào các chương trình đào tạo, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số để cải thiện năng lực quản trị, kinh doanh…
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.