Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân chơi của những trẻ đặc biệt

Thùy An| 30/12/2018 07:17

(HNM) - “Niềm tin về tâm hồn đẹp của các em gửi trong từng đường thêu sẽ chạm đến trái tim người sử dụng”.

Sản phẩm của các em thuộc dự án Tòhe Fun tại một triển lãm.


Khai phá tiềm năng

Cách đây ít tháng, một triển lãm nhỏ đặc biệt mang tên “Sao nữa?” trưng bày những tác phẩm của các cô bé, cậu bé và cả chàng trai đặc biệt đang gắn bó với các lớp nghệ thuật của dự án Tòhe Fun diễn ra ở Hà Nội. Ngày khai mạc triển lãm, có em đi ra đi vào liên tục khi ở không gian đông người. Có em thoải mái nằm, ngồi trong lúc khai mạc… Cũng chẳng ai có mặt tại triển lãm hôm ấy coi đó là chuyện bất thường. Họ có mặt ở đó để tận hưởng thành quả từ nỗ lực của những người quản lý, tình nguyện viên, giáo viên của các lớp nghệ thuật do dự án mở ra và quan trọng nhất là những tác giả đặc biệt kia.

Tại buổi khai mạc, nhiều tác phẩm đã được bán, mang về khoản thu nhập đáng kể cho chủ nhân tác phẩm. Đấy là điều ít được nghĩ đến vào vài năm trước. Khi ấy, chỉ cần các em đến với nghệ thuật và “chơi” ở đó đã là hạnh phúc với người thân.

Quả thực, hành trình đi tìm kiếm mình của các em tại những lớp học của Tòhe Fun không đơn giản. Một bạn điều hành lớp học của dự án Tòhe Fun từng viết những dòng cảm xúc: “Ngoài niềm vui và những trải nghiệm nghệ thuật, chúng tớ vẫn luôn suy nghĩ làm thế nào để những cô, cậu bé hiền hòa nơi này được bộc lộ đúng tài năng, tìm được định hướng nghề nghiệp. Cho tới khi cầm trên tay miếng vải thêu dang dở của các em, chúng tớ mừng húm. Hóa ra, đấy là niềm yêu thích đặc biệt của các em và đương nhiên là lối đi đã chờ mình tiếp bước từ lâu. Những mũi thêu nét, thêu đặc đầu tiên, những lần xỏ kim, những lóng ngóng, những mất tập trung của các bạn bé, những kiên trì 2 tuần cho một hình thêu trọn vẹn... ”. Những câu chuyện như thế lại cuốn hút cô giáo Nguyễn Thu Hà, nghệ sĩ thị giác đang sinh sống tại Anh.

Trong thời gian về Việt Nam, Nguyễn Thu Hà tham gia giảng dạy tại các lớp nghệ thuật của Tòhe Fun mà chẳng nhận thù lao, dù có nhiều nơi khác mời cô làm việc với mức thu nhập hấp dẫn. Ngay trong thời gian chuẩn bị cho triển lãm “Sao nữa?”, cô Hà cũng nhận được đề nghị tham gia một dự án khác có thu nhập rất cao. Nhưng điều đó cũng không thể khiến cô chia tay những đứa trẻ đặc biệt đáng yêu của mình. “Mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng, sở thích, góc nhìn khác nhau. Có điều, để nhận biết được phải mất nhiều thời gian. Tôi đã quan sát các em, nhìn vào những gì các em thích nhất và dùng nhiều phép thử, kể cả thử sai để tìm ra câu hỏi chính xác về sở thích, về cái “chất” của các em. Để rồi từ cái “chất”, mình xây và bồi đắp tiếp”, cô Nguyễn Thu Hà nói.

Học trò của cô Hà chủ yếu là các em bị tự kỷ, gặp khó khăn về thể hiện ngôn ngữ. Em thích vẽ, em thích cắt dán, em lại đặc biệt đam mê những con số… Chuyện các em đang làm, đang chơi với thứ nghệ thuật yêu thích của mình rồi bất ngờ chuyển trạng thái cáu bẳn, hất tung dụng cụ, xé nát vật phẩm là bình thường. Mọi người đều đón nhận một cách nhẹ nhàng, coi đó như một phần của lớp học.

Gắn bó với các lớp học trong vai trò điều phối viên của dự án Tòhe Fun, Nguyễn Thu Hằng bảo: “Chính những lúc ấy mình lại càng có thêm động lực làm việc. Công việc cùng phát hiện, nuôi dưỡng đam mê với những em đặc biệt thế này thực sự ngốn thời gian nhưng rất vui. Vui vì được gặp các em nên tôi không có cảm giác đang đi làm mà lại luôn có thể học được những thứ rất nhỏ từ các em...”.

Không dừng lại ở “chơi” nghệ thuật

Chị Trần Thanh Loan, Giám đốc điều hành dự án Tòhe Fun luôn ấp ủ giấc mơ đưa nghệ thuật đến với những trẻ em đặc biệt. Chị chia sẻ, đã mở nhiều lớp học nghệ thuật trên khắp cả nước cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tòhe Fun được xây dựng nhằm tổ chức sân chơi sáng tạo nghệ thuật miễn phí cho trẻ em đặc biệt. Sân chơi này được hy vọng sẽ đánh thức bản năng tiềm ẩn của trẻ, bởi mỗi đứa trẻ đều có một khả năng đặc biệt và cần được khai phá, truyền cảm hứng. Hơn 10 năm qua, Tòhe Fun đã thực hiện điều này và đã đến lúc “không chỉ dừng lại ở “chơi” nghệ thuật". Và ý định cải thiện đời sống cho trẻ thông qua chính những sản phẩm của các em đã nhen nhóm được hai năm nay.

Đến nay, ý định đó đã thành hiện thực. Ở các cửa hàng trong hệ thống Tòhe, khi bán được những sản phẩm có in họa tiết do các em sáng tạo, dự án đều trích lại 5% cho chủ nhân. Còn những sản phẩm do các em thi công trực tiếp mà bán được thì thu nhập của chủ nhân sẽ lớn hơn nhiều. Gần đây, những sản phẩm của các thành viên đặc biệt ở dự án Tòhe Fun được trưng bày, đấu giá tại triển lãm “Khoe” ở khu đô thị Ecopark (Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) đã thu về một khoản tiền đáng kể. Nguồn thu này được sử dụng hỗ trợ khu tổ hợp làng nội trú cho các bạn nhỏ dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn tại xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Ở hệ thống của Tòhe, câu chuyện về Văn Minh Đức, chàng trai 24 tuổi (nhưng mọi suy nghĩ chỉ như trẻ nhỏ) đang được kể với niềm tự hào. Tham gia lớp sáng tạo nghệ thuật của Tòhe, Văn Minh Đức ngày càng chứng tỏ khả năng về vẽ. Đến lúc này, Đức đã là nhân viên bán thời gian tại cửa hàng của Tòhe, chuyên vẽ trực tiếp lên các sản phẩm, trong đó có túi xách. Thu nhập của Văn Minh Đức cũng đáng kể, khi người mua đồng cảm, chia sẻ được với sự nỗ lực của cậu và cả những thành viên của Tòhe Fun.

Như chị Lê Thanh Hà, chủ một doanh nghiệp trang trí nội thất chia sẻ: “Nếu chỉ nhìn vào sản phẩm của các bạn ở Tòhe Fun mà không biết gốc của câu chuyện thì sẽ thấy chúng không có nhiều điểm đáng chú ý. Nhưng khi biết về những nỗ lực và hành trình để có được sản phẩm ấy thì tôi tin rằng mọi người sẽ nghĩ khác và hoàn toàn tự hào khi sử dụng chúng”...

Và đó cũng là thông điệp mà những người ở Tòhe Fun gửi tới mọi người - để tinh thần yêu đời, hồn nhiên của những đứa trẻ kém may mắn lan tỏa tới tất cả mọi người: Hãy yêu và sống theo một cách tự nhiên nhất!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sân chơi của những trẻ đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.