Kinh tế

Chủ động phòng ngừa khi ra “sân chơi” lớn

Lam Giang 03/12/2023 - 06:20

Trong quá trình hội nhập, bước ra các “sân chơi” lớn cùng “luật chơi” khác nhau, các doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với không ít nguy cơ tranh chấp, lừa đảo. Để tránh rủi ro, sập bẫy lừa đảo, doanh nghiệp cần thực hiện những giải pháp phòng ngừa, đặc biệt cần cẩn trọng trong giao dịch, kiểm tra kỹ đối tác.

anh-goc-dinh-t1.jpg
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai, tỉnh An Giang. Ảnh: TTXVN

Thiệt hại 5% doanh thu

Theo Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Hoàng Minh Chiến, tranh chấp và gian lận thương mại hiện đang là vấn đề tồn tại trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động, rủi ro, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tính đến khi gia tăng hoạt động xuất, nhập khẩu. Trong năm 2022, các doanh nghiệp toàn cầu đã phải chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo, với giá trị trung bình 1,7 triệu USD/vụ.

Thực tế, tình trạng lừa đảo qua mạng internet không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, châu Phi mà còn diễn biến phức tạp ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín, như Hoa Kỳ, châu Âu... Theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, từ đầu năm 2023 tới nay, cơ quan này ghi nhận bình quân 10 vụ lừa đảo qua mạng internet mỗi tháng liên quan đến các chứng chỉ không có thật, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam. Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, Hoa Kỳ là thị trường xuất, nhập khẩu lớn, cũng là nơi tình trạng lừa đảo thương mại quốc tế “muôn hình, vạn trạng”. Các vụ việc lừa đảo không chỉ diễn ra với mua bán hàng hóa, mà cả huy động đầu tư, dịch vụ, mua, bán, sáp nhập và hợp tác kinh doanh.

Theo Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Italia Dương Phương Thảo, các vụ việc lừa đảo và tranh chấp xảy ra là do doanh nghiệp không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng đối tác, lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, trong khi hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chưa quen với văn hóa kinh doanh của các nước nhập khẩu; không ít doanh nghiệp chưa hiểu biết về hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp; chưa sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp trong nước thường chủ quan, sơ hở trong tiếp cận và soạn thảo hợp đồng. Hình thức lừa đảo của các đối tượng rất tinh vi, phức tạp, chúng có thể tiếp cận dễ dàng và giả mạo thông tin của doanh nghiệp uy tín, thậm chí giả mạo cả con dấu của cơ quan chức năng.

san-xuat-hang-may-mac-xuat-.jpg
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Đỗ Tâm

Cẩn trọng tránh “sập bẫy”

Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhiều lần cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng khi giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi Phạm Thanh Hải, doanh nghiệp trước khi ký kết hợp đồng cần phối hợp với cơ quan thương vụ xác minh tính chính xác của đối tác. Cùng với việc liên hệ trực tiếp với đối tác, doanh nghiệp nên xem xét kỹ lịch sử giao dịch, kinh doanh quốc tế của đối tác.

Còn Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Mạnh Quyền gợi ý, doanh nghiệp nên kết nối với luật sư, nhà tư vấn chuyên ngành trước khi ký hợp đồng. “Các hiệp hội ngành hàng cần phổ biến tới doanh nghiệp thông tin, nguyên tắc cơ bản trong giao dịch quốc tế, cũng như những lưu ý của thị trường mà các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã cung cấp. Đồng thời, hiệp hội doanh nghiệp cũng nên xây dựng các chuyên mục riêng tại website của hiệp hội để chia sẻ thông tin sâu rộng về kinh nghiệm giao thương quốc tế, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và nắm bắt”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nêu.

Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam Hoàng Thị Liên cho biết, doanh nghiệp rất mong các cơ quan thương vụ cung cấp thông tin thường xuyên về gian lận trong xuất, nhập khẩu trên một kênh thống nhất, cụ thể. Bộ Công Thương đưa ra bộ quy tắc tham chiếu về mức đặt cọc, phương thức thanh toán… trong giao thương quốc tế để doanh nghiệp tham khảo. Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng kiến nghị, các ngân hàng thương mại trong nước tăng cường nghiệp vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp bảo đảm an toàn trong giao dịch thương mại quốc tế.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục yêu cầu các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt, phân tích, đánh giá tình hình và đề xuất những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp; cập nhật, chia sẻ các tình huống gian lận, lừa đảo thương mại để cung cấp cho hiệp hội, doanh nghiệp tham khảo, đúc rút kinh nghiệm. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp nhu cầu hỗ trợ và kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung giải quyết theo thẩm quyền, hoặc báo cáo Chính phủ giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng ngừa khi ra “sân chơi” lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.