(HNM) - Có một thực tế là kiểm tra bất cứ nhà hàng nào cũng có rượu pha cồn nhưng việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc lại không hề đơn giản.
Và có một thực tế là kiểm tra bất cứ nhà hàng nào cũng có rượu pha cồn nhưng việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc lại không hề đơn giản.
Các lực lượng chức năng của Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý việc kinh doanh rượu kém chất lượng. |
Khó phát hiện sai phạm
Chỉ trong 15 ngày (từ ngày 22-2 đến 8-3), Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 14 trường hợp ngộ độc rượu methanol tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, trong đó có 7 trường hợp cư trú tại quận Đống Đa. Ngay lập tức, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của TP Hà Nội đã mở cuộc “truy tìm” rượu methanol gây ngộ độc tại đây. Thế nhưng, khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn quận Đống Đa, các chủ cửa hàng hầu như không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của các loại rượu.
Điển hình như khi kiểm tra tại nhà hàng Thanh Mai Quán (ở 161 Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa), lực lượng chức năng phát hiện 2 bình rượu không nhãn mác và chủ nhà hàng không chứng minh được xuất xứ. Tương tự, tại quán thịt chó Ất Ngân (ki ốt số 3 Trần Quang Diệu, Trung Liệt, quận Đống Đa), nhiều loại rượu ngâm táo mèo, ba kích… cũng không có nguồn gốc. Còn ở nhà hàng Thu Thắng (Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm), đoàn kiểm tra phát hiện, niêm phong 6 chum đựng khoảng 200 lít rượu không có nhãn mác.
Được biết, chiều 9-3, Đội Quản lý thị trường số 6 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra, thu giữ 1.080 lít rượu không rõ nguồn gốc, ngâm ba kích, chuối hột và táo mèo, tại số 32, ngõ 129, phố Thiên Hiền (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm). Số rượu trên được đựng trong 50 can nhựa. Thời điểm kiểm tra, cơ sở không có giấy phép kinh doanh, chủ cơ sở (hộ khẩu thường trú xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) khai nhận thu mua lẻ từ Hưng Yên và bán lại kiếm lời. Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 cho biết, toàn bộ số rượu trên sẽ bị thu giữ, kiểm nghiệm chất lượng và xác minh các điểm tiêu thụ.
Kết quả sau đợt ra quân kiểm tra những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường đã niêm phong hàng nghìn lít rượu không nhãn mác. Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, không một quán ăn, cửa hàng nào không bán rượu thuốc, rượu ngâm. Đa phần những loại rượu này đều không có nhãn mác, nguồn gốc.
Phải truy tố trước pháp luật
Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho rằng, giải pháp lâu dài quản lý rượu tự nấu là cơ quan quản lý phải nắm được hiện trên địa bàn thành phố có bao nhiêu cơ sở nấu rượu, pha chế rượu đóng chai để bán. Sau đó, tập trung tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về ATVSTP. Mặt khác, cơ quan chức năng phải giám sát được những cơ sở cung cấp rượu về Hà Nội từ các địa phương giáp danh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành Công văn số 875/SCT-QLCN về tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, yêu cầu các phòng chuyên môn trực thuộc Sở tích cực tuyên truyền và kiểm tra bảo đảm tuân thủ các quy định về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm. Chi cục Quản lý thị trường chủ động rà soát, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; tăng cường lấy mẫu rượu thủ công để kiểm tra chất lượng, đặc biệt là hàm lượng methanol; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền, tịch thu, tiêu hủy rượu không rõ nguồn gốc... |
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cũng nhận định, để kiểm soát được lượng rượu bán ra tại các quán ăn, nhất là những quán hàng nhỏ, bình dân không đơn giản. Ông Long cũng cho hay, mẫu rượu trắng được lấy tại một quán cơm ở phường Mộ Lao (quận Hà Đông) có hàm lượng methanol vượt ngưỡng tới hơn 2.000 lần, tức là cứ 1 lít rượu có 200cc cồn công nghiệp.
Vì vậy, nguyên nhân xảy ra ngộ độc là do uống phải cồn công nghiệp pha, chứ không phải rượu nấu. “Từ sự việc này, chúng ta phải truy tìm thủ phạm là những cơ sở pha rượu. Muốn làm được phải có sự vào cuộc của lực lượng công an” - ông Nguyễn Hùng Long nói. Còn theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, chính quyền các quận, huyện, xã, phường, thị trấn phải tăng cường kiểm tra và chịu trách nhiệm trong công tác quản lý ATVSTP trên địa bàn.
Tại hội nghị Ban Chỉ đạo Công tác an toàn thực phẩm TP Hà Nội diễn ra chiều 9-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, vụ ngộ độc methanol ngay đầu năm 2017 có thể khẳng định, lỗi từ phía Chi cục Quản lý thị trường, công tác kiểm soát thị trường bia rượu sau Tết bị lơi lỏng. Qua đây, lực lượng quản lý thị trường và Công an thành phố, nhất là các quận, huyện phải tăng cường kiểm tra và xử lý làm sao không để xảy ra tình trạng này. Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Công an thành phố khẩn trương điều tra, làm rõ vụ ngộ độc methanol nêu trên, từ đó xem xét mức độ vi phạm và phải truy tố trước pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.