(HNM) - Khu vực Đông Bắc Á vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thêm một lần nữa rung chuyển khi Triều Tiên tuyên bố vừa tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch (bom H) được đánh giá là mạnh nhất từ trước tới nay.
Theo Đài Truyền hình trung ương Triều Tiên (KRT), vụ thử hạt nhân lần thứ 6, được tiến hành tại bãi thử Pyunggye-ri nằm ở phía Đông Bắc nước này, đã “thành công mỹ mãn”. Các chuyên gia ước tính, quả bom vừa được thử nghiệm có sức công phá lên tới 100 kiloton, mạnh gấp 4-5 lần so với bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống TP Nagasaki (Nhật Bản) vào năm 1945.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp kiểm tra một quả bom H do nước này tự chế tạo. |
Ngay trước vụ thử hạt nhân, Kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên (KCTV) đã phát đi những hình ảnh cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un trực tiếp kiểm tra một quả bom H tự chế tạo, đồng thời khẳng định nước này đã làm chủ công nghệ thu nhỏ bom H, đủ để gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là sự khác biệt so với tất cả các vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên, tạo ra bước ngoặt quan trọng trong sản xuất vũ khí hạt nhân kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011.
Hàng loạt quốc gia đã lập tức bày tỏ lo ngại về diễn biến kể trên ở bán đảo Triều Tiên. Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), Cố vấn an ninh Chung Eui-yong cho biết, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định Hàn Quốc sẽ không bao giờ cho phép Triều Tiên tiếp tục phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa, đồng thời thúc giục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất nhằm “cô lập hoàn toàn” Bình Nhưỡng. Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, Triều Tiên đã phạm phải sai lầm chiến thuật và sẽ bị cô lập hơn. Quân đội Hàn Quốc ngày 4-9 cũng đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật nhằm đáp trả hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, với mục tiêu giả định là bãi thử nghiệm hạt nhân Pyunggye-ri.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi những động thái từ phía Triều Tiên, trong đó có cuộc thử nghiệm hạt nhân vừa qua, là hành động thù địch vô cùng nguy hiểm. Sau cuộc gặp với Tổng thống D.Trump, Phó Tổng thống Mike Pence cùng các cố vấn an ninh hàng đầu tại Nhà Trắng vào ngày 3-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã cảnh báo về một phản ứng quân sự áp đảo, hiệu quả đối với mọi mối đe dọa của Triều Tiên nhằm vào Mỹ và các đồng minh. Trung Quốc cũng lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân và kêu gọi Triều Tiên dừng ngay các hành động sai trái. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga gọi động thái của Triều Tiên là "mối đe dọa nghiêm trọng" và kêu gọi các bên kiềm chế để tránh căng thẳng leo thang tại khu vực.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng tuyên bố tổ chức cuộc họp khẩn cấp và nhiều khả năng sẽ cân nhắc các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, sau khi Tổng Thư ký Antonio Guterres lên án cuộc thử nghiệm vừa qua là hành động “phá hoại nghiêm trọng an ninh khu vực”. Kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, Triều Tiên đã bị Liên hợp quốc áp đặt 6 nghị quyết trừng phạt, mới đây nhất là các biện pháp đưa ra sau khi Bình Nhưỡng thử ICBM trong tháng 7 - nhằm vào các ngành công nghiệp chủ chốt như than đá, quặng sắt, hải sản... ước tính khiến nước này thiệt hại hàng tỷ USD.
Những diễn biến mới nhất trên bán đảo Triều Tiên gây ra lo ngại về việc một trong các bên sẽ vượt qua “giới hạn đỏ” và sử dụng hành động quân sự để đáp trả. Giới phân tích nhận định, mục tiêu sống còn của Triều Tiên là phát triển “vũ khí hạt nhân” - phương tiện bảo vệ đất nước khỏi những mối đe dọa từ bên ngoài. Bởi vậy, yêu cầu Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân là điều không tưởng. Biện pháp khả thi lúc này là kiềm chế những hành động mang tính khiêu khích của Bình Nhưỡng và buộc nước này ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra các giải pháp hòa bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.