Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rõ trách nhiệm, tiến độ

Thế Đan| 27/10/2022 06:01

(HNM) - Để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa. Các chương trình bao trùm tất cả các lĩnh vực xây dựng, phát triển Thủ đô và được cụ thể hóa thông qua những kế hoạch, đề án, dự án, chỉ rõ tiến độ, có phân công cụ thể cho các sở, ban, ngành thực hiện.

Trên tinh thần ấy, trong 10 tháng năm 2022, mặc dù chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài nhưng việc thực hiện 10 chương trình công tác đạt nhiều kết quả tích cực. Tiêu biểu như Chương trình số 02-CTr/TU về “Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025” đã góp phần đưa tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố 9 tháng tăng 9,69% so với cùng kỳ năm 2021.

Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” đã đạt một số chỉ tiêu quan trọng. Trong khi đó, việc triển khai các chương trình công tác về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cải cách hành chính; xây dựng nông thôn mới; an ninh - quốc phòng… cũng góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Thế nhưng, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, so với mục tiêu của năm 2022, nhiều nội dung cụ thể của một số chương trình có khả năng chưa đạt nếu không có sự vào cuộc sát sao, trách nhiệm của Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên các chương trình công tác, các sở, ngành, địa phương trực tiếp được giao thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ như Chương trình số 03-CTr/TU gặp khó với chỉ tiêu cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa; hạ ngầm hệ thống cáp điện lực, thông tin; tỷ lệ xử lý nước thải đô thị…

Hay như Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” phải làm thế nào để hoàn thành mục tiêu có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Trên cơ sở nhận định rõ những khó khăn, bất cập, bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo 10 chương trình đã rà soát lại từng chỉ tiêu của năm 2022 để giao các sở, ngành, địa phương có giải pháp thực hiện theo hướng rõ trách nhiệm, tiến độ. Những nội dung mang tính liên ngành, vượt thẩm quyền cần được tổng hợp để trình cơ quan quản lý cấp trên xem xét tháo gỡ.

Trong quá trình thực hiện, luôn đề cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nội dung của chương trình; coi đây là tiêu chí đánh giá thi đua của tập thể, cá nhân trong năm 2022. Cùng với đó là tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, cần kịp thời động viên, khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Chỉ còn hai tháng nữa là kết thúc năm 2022 - năm có ý nghĩa quan trọng đối với thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025. Thực hiện nghiêm, phát huy tinh thần sáng tạo trong triển khai 10 chương trình công tác của Thành ủy sẽ là cơ sở để góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rõ trách nhiệm, tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.