(HNM) - “Cơ hội tái sinh” là cụm từ được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2017 của bộ này cách đây 1 năm.
Tuy nhiên, thẳng thắn đánh giá thì công tác cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại hoạt động tại các doanh nghiệp nhà nước ngành Nông nghiệp vẫn rất ngổn ngang.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đặc biệt, không ít công ty nông - lâm nghiệp có “vỏ” là doanh nghiệp nhà nước, nhưng “ruột” lại không còn hoạt động kinh doanh theo mô hình này. Bởi vì mang danh nghĩa đất đai họ vẫn quản lý, báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng bên trong đó thì đã giao khoán hết cho các hộ dân, dân tự sản xuất kinh doanh, còn công ty chỉ đứng ra “phát canh thu tô”.
Tình trạng tranh chấp đất đai, người nhận khoán tự mua đi bán lại đất canh tác diễn ra rất phức tạp ở nhiều nông - lâm trường (vốn đang sở hữu hàng triệu héc ta đất nông nghiệp, đất rừng) là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp không muốn cổ phần hóa, sắp xếp lại hoạt động của đơn vị mình.
Ngay cả nhiều đơn vị đã cổ phần hóa thì cũng chưa tạo ra những biến đổi lớn về hiệu quả sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản trị doanh nghiệp còn bất cập. Vì vậy, thời gian tới cần siết chặt kỷ cương, có sự phối hợp đồng bộ của liên ngành, nhằm tìm ra cơ chế đặc thù gỡ khó cho doanh nghiệp là việc không thể chậm trễ.
Theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt, từ nay đến năm 2020, ngành Nông nghiệp sẽ phải thoái vốn, cổ phần hóa tại nhiều “siêu” doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: Cao su, cà phê, chè, lương thực… Chủ trương đã rõ. Để làm tốt vấn đề này trước hết từ cơ quan Bộ đến lãnh đạo doanh nghiệp cần thể hiện rõ quyết tâm chính trị để đề ra các giải pháp mạnh. Phải xác định, yếu tố quyết định chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nông nghiệp là tạo sự hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược.
Do đó, cần lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược dựa trên sự minh bạch, khách quan và đúng quy định. Bên cạnh đó, đơn vị được chỉ định tái cơ cấu cần chủ động phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị tư vấn, nhất là tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, bảo đảm xác định đúng, đủ giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa. Trong quá trình này, phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp, người đại diện quản lý phần vốn nhà nước không thực hiện nghiêm túc, hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa.
Mặt khác, cần có giải pháp linh động về việc hướng dẫn xử lý tài chính và xác định rõ giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, theo hướng giao cho bộ, UBND các tỉnh phê duyệt chi phí cổ phần hóa, chỉ định thầu tư vấn phù hợp với quy mô, tình hình thực tế của đơn vị. Mấu chốt trong vấn đề này là “rối ở đâu gỡ ở đó”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sắp xếp lại hoạt động ngay và hiệu quả.
Song song đó, Chính phủ phải bổ sung quy định cụ thể trong việc thực hiện thoái vốn nhà nước trên giá trị sổ sách, trên mệnh giá - điều đang bị “kêu” nhất hiện nay. Theo đó, đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện thoái vốn có nhiều khó khăn không thuộc đối tượng đã niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán, hoặc chưa niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán nhưng đã đăng ký giao dịch, nếu nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần thì cho phép bán thỏa thuận cho họ…
Doanh nghiệp sau cổ phần hóa không phát triển được thì sản xuất nông nghiệp sẽ khó khăn, dễ bị buông lỏng quản lý dẫn đến việc lấn chiếm, chuyển nhượng đất trái phép sẽ kéo theo nhiều vấn đề an sinh xã hội khác với hệ lụy phức tạp. Do vậy, sớm ban hành chính sách gỡ khó để các doanh nghiệp nông nghiệp tái cơ cấu hoạt động hiệu quả, tiếp cận tín dụng, cải cách hành chính, cổ phần hóa… là việc cần làm nhất hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.