(HNMO) - Sáng 13-10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã khảo sát triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, năm học 2022-2023, quận có 99 trường (tăng 4 trường so với năm học trước). Đến tháng 9-2022, tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn quận Cầu Giấy là 20 trường (6 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 7 trường trung học cơ sở) chiếm tỷ lệ 20%; trong đó chỉ có 12 trường công lập.
Các trường công lập chưa được công nhận chuẩn quốc gia do số học sinh trên lớp vượt quá quy định, thiếu các phòng chức năng. Một số trường diện tích quá nhỏ, thiếu không gian hoạt động; một số trường mới thành lập chưa đủ thời gian hoạt động theo quy định.
Việc thực hiện quy định về quản lý thu, chi tài chính, trên cơ sở văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, UBND quận chỉ đạo các phòng, ban liên quan triển khai các văn bản hướng dẫn tới 100% số trường trên địa bàn quận. Yêu cầu các trường triển khai đến toàn thể hội đồng sư phạm và cha mẹ học sinh.
Ngoài ra, UBND quận đã ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác thu, chi trong các trường học công lập trên địa bàn quận. Hiện nay, các trường đều thực hiện nghiêm túc, các khoản thu không nhận được ý kiến trái chiều của phụ huynh.
Toàn quận Cầu Giấy hiện có 24 dự án đầu tư xây dựng trường học bằng nguồn vốn xã hội hóa, trong đó, 22 dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, 2 dự án chưa xây dựng (Dự án xây dựng trường trung học cơ sở tại địa chỉ 122-124 đường Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy và Dự án xây dựng Trường Mầm non quốc tế Global tại ô đất C4 Khu đô thị mới Yên Hòa). Các dự án đầu tư xây dựng trường học bằng nguồn vốn xã hội hóa đã bảo đảm đúng quy hoạch được UBND thành phố phê duyệt.
Về cơ bản, các dự án đầu tư xây dựng trường học bằng nguồn vốn xã hội hóa luôn được tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và sự ủng hộ của các cấp chính quyền và toàn xã hội. Các dự án đầu tư xây dựng trường học bằng nguồn vốn xã hội hóa được tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương luôn đảm bảo công tác an ninh, an toàn trong quá trình đầu tư cũng như trong thời gian khai thác sử dụng. Các dự án xây dựng trường học bằng nguồn vốn xã hội hóa đã hoàn thành đầu tư xây dựng đúng tiến độ và đã đưa vào khai thác sử dụng.
Báo cáo với Đoàn khảo sát, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm, quận nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc. Số học sinh/lớp của các trường công lập còn cao so với quy định, gây khó khăn cho việc quản lý học sinh, đổi mới phương pháp dạy học cũng như việc công nhận trường chuẩn quốc gia. Số lượng giáo viên biên chế trong các trường còn thiếu, chưa được bổ sung kịp thời, dẫn đến tâm lý giáo viên chưa thực sự yên tâm công tác.
Trên thực tế, còn một số khoản thu theo nhu cầu thực tế phát sinh của phụ huynh học sinh nhưng không được quy định theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND, khiến quá trình thực hiện gặp nhiều lúng túng, như khoản thu đón sớm, trả muộn, phục vụ ăn sáng, câu lạc bộ ngoại khóa ngoài giờ....
Trước những khó khăn trên, quận Cầu Giấy đề xuất thành phố bổ sung biên chế cho các trường mới thành lập và cho các trường đang phát triển; tăng số lượng hiệu phó cho các trường quá 40 lớp. Cho phép đăng ký thi tuyển viên chức kế toán và y tế, nhất là nhân viên y tế trong bối cảnh nhiều dịch bệnh như hiện nay; xem xét điều chỉnh Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22-11-2013 về việc ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội; Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND ngày 25-6-2013 của UBND thành phố Hà Nội về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hà Nội cho phù hợp với thực tế.
Để công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia triển khai có hiệu quả và phù hợp thực tế, UBND quận Cầu Giấy cũng đề xuất với thành phố cho phép nâng tầng so với quy định cho các trường không còn quỹ đất; khi quy hoạch các khu đô thị phải dành quỹ đất xây trường công lập; đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định số học sinh/lớp ở khu vực nội thành cho phù hợp với thực tế.
Làm việc với UBND quận Cầu Giấy, Đoàn khảo sát ghi nhận, quận Cầu Giấy rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, với thành tích 14 năm đứng đầu thành phố. Với những khó khăn của quận, Đoàn khảo sát đề nghị quận có thêm các giải pháp trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, giảm sĩ số/lớp, xây dựng thêm trường mới ở các khu đô thị cho việc tăng dân số cơ học.
Ngoài phân luồng, phân tuyến, xây thêm trường, quận cũng chú trọng xây dựng kế hoạch cải tạo các trường; rà soát các cơ sở có diện tích không sử dụng hiệu quả để kiến nghị thành phố thu hồi xây mới trường. Thời gian tới, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ kiến nghị, đề xuất Sở Nội vụ bố trí tăng thêm biên chế giáo viên cho quận, đáp ứng được yêu cầu về giáo viên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.