(HNM) - Tết Nguyên đán vừa qua đối với gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là cái Tết đầy lo âu, bởi đúng ngày ông Công, ông Táo thì chị nhận được câu trả lời của một cơ sở y tế của Xingapo, rằng phải trả 35 nghìn đô la Xingapo cho ca phẫu thuật "sửa sai" do chính những đồng nghiệp của họ gây ra.
Nhưng vào Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, niềm vui lại đến với chị. Chỉ sau 2 ngày nhập viện, chị Thủy đã được các bác sĩ bệnh viện Việt-Đức nối niệu quản với bàng quang, giúp phục hồi cơ quan tiết niệu bị thương tổn sau ca mổ đẻ tại Xingapo. Có lẽ, trong sâu thẳm trái tim người phụ nữ này, có cả lòng biết ơn những người thầy thuốc lẫn sự ân hận vì đã thiếu lòng tin vào họ.
Tiền mất, tật mang
Chị Thủy quyết định sinh con thứ 3 sau nỗi đau mất đứa con thứ 2 vì bệnh ung thư máu. 5 tuần trước khi nhập viện Việt-Đức trong tình trạng phải bài tiết nước tiểu qua ống dẫn, chị đã sang Xingapo thực hiện ca mổ đẻ vì các bác sĩ trong nước chẩn đoán sẽ phải cắt tử cung vì rau thai cài răng lược. Mang hy vọng giữ được tử cung, theo lời giới thiệu của một văn phòng đại diện của tập đoàn y tế lớn của Xingapo tại Hà Nội, chị sang đất nước được đánh giá có nền y tế phát triển trong khu vực, chờ đợi trong 1 tuần và chịu một ca phẫu thuật mổ đẻ kéo dài 10 tiếng. Kết quả, một bé trai nặng 2,8 kilôgam đã chào đời, song mẹ của bé vẫn phải cắt tử cung để giữ được tính mạng. Chi phí cho đợt điều trị này hết gần 100 nghìn đô la Xingapo. Ngày thứ 3 sau mổ, chị bị phù, suy thận, bệnh viện xác định bị vô niệu, tổn thương thận và niệu quản. Các bác sĩ đặt ống dẫn lưu cho nước tiểu bài tiết ra ngoài và hẹn chị 1 tháng sau khám lại. 23 tháng Chạp, con bé, năm hết Tết đến nhưng chị lại phải khăn gói sang Xingapo một lần nữa. Kết quả kiểm tra lần này cho thấy, chị đã bị bác sĩ mổ đẻ khâu và cắt vào niệu quản. Chị được chuyển sang cơ sở y tế chuyên khoa về tiết niệu và những gì được nghe ở đây khiến chị và gia đình rụng rời chân tay: phải 3 tháng sau mới mổ lại được và chi phí cho ca phẫu thuật này là 35 nghìn đô la Xingapo.
Với đội ngũ thầy thuốc có trình độ và phương tiện hiện đại, Bệnh viện Việt -Đức đã phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Ảnh: Linh Tâm |
Quay trở về Việt Nam, lo xong cái Tết, ngày 24-2, chị quyết định vào Bệnh viện Việt-Đức. Phim chụp cắt lớp cho thấy niệu quản trái của chị bị mất một đoạn sát bàng quang. Các bác sĩ lập tức hội chẩn và quyết định đưa chị lại phòng mổ ngay khi có thể. Sáng ngày 26-2, kíp mổ đã nối thành công niệu quản với bàng quang… Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt-Đức, nếu chị Thủy không có bảo hiểm y tế thì sẽ phải thanh toán 15 triệu đồng cho đợt điều trị tại đây.
Mất một khoản tiền không nhỏ để "mua" sai sót được các bác sĩ cho là nặng nề nhất đối với một ca phẫu thuật cắt tử cung, cái giá mà bệnh nhân Thủy trả cho sai lầm khi lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh quả thật quá đắt.
Quảng cáo hay nhiệm vụ?
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Thanh Thủy là một ví dụ điển hình về việc bệnh nhân thiếu thông tin và sự hiểu biết, dẫn đến việc lựa chọn sai cơ sở y tế nước ngoài để khám và điều trị. Theo thống kê của Bộ Y tế - công bố từ hơn một năm trước, mỗi năm ước có khoảng 30 nghìn người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh. Như vậy, một lượng ngoại tệ không nhỏ, khoảng 500 triệu đến 1 tỷ USD đã "chảy" vào túi các cơ sở y tế nước ngoài trong khi người bệnh thì vất vả, tốn kém và trong một số trường hợp là "tiền mất, tật mang".
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân chọn điều trị ở nước ngoài, như nghi ngại chất lượng điều trị, phương pháp chăm sóc người bệnh, điều kiện hạ tầng của các cơ sở y tế trong nước, tinh thần và thái độ phục vụ… song thiếu thông tin có lẽ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc người bệnh tìm đến các bệnh viện nước ngoài. Theo GS Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam, dù chất lượng không đồng đều và mặt bằng chung chưa cao nhưng trong những năm qua, các bệnh viện lớn của nước ta có sự tiến bộ vượt bậc, thiết bị không thua kém nhiều so với nước ngoài, kiến thức kinh nghiệm của các bác sĩ cũng ngang bằng với khu vực. Vậy tại sao người bệnh lại tìm đến các cơ sở y khoa quốc tế? Vấn đề nằm ở chỗ các bệnh nhân không nắm được thông tin chính thức từ các bệnh viện nên mỗi khi có bệnh, họ không biết phải điều trị tại đâu. Không có bộ phận marketing hoạt động chuyên nghiệp để quảng bá hình ảnh, thương hiệu và thông tin chi tiết đến bệnh nhân; giới thiệu điều kiện khám chữa bệnh, trình độ khoa học kỹ thuật tối ưu của bệnh viện mình là thực trạng chung của các bệnh viện hiện nay. Có vẻ như các bệnh viện lớn, có đội ngũ chuyên gia giỏi, trang thiết bị hiện đại luôn trong tình trạng quá tải nên tự thấy không cần phải "tự giới thiệu" (?). Có lẽ, thông tin cho người dân biết về khả năng, điều kiện của bệnh viện không nên hiểu là để quảng cáo, mà là một trong những nhiệm vụ của cơ sở y tế nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Cùng với nhiệm vụ "mới" trên, các bệnh viện cần có cơ chế để tổ chức khám, điều trị cho những bệnh nhân có nhu cầu hưởng chất lượng cao, có khả năng chi trả. Hiện nay, chúng ta đã có một số khoa điều trị theo yêu cầu, nhưng mức phí và chất lượng dịch vụ chỉ vào loại "trung bình khá" trong lúc số người sẵn sàng chấp nhận "tiền nào, của nấy" ngày một nhiều hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.