Đảng ta đã và đang đề ra nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam nhằm xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
Thế nhưng, với thủ đoạn chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam về mọi mặt, bằng những lời lẽ xuyên tạc, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên phủ nhận, đánh giá không đúng sự thật những thành quả ngành Nông nghiệp đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái, bịa đặt đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
1. Một trong những trọng tâm chống phá của các thế lực thù địch gần đây là xuyên tạc chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp. Chúng lấy ví dụ tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất tại một số địa phương ở Nam Bộ để khẳng định rằng chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp là xa rời thực tiễn, không trực tiếp góp phần giải quyết những khó khăn ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt. Sự chống phá đó là âm mưu, thủ đoạn “lấy sự việc”, “hiện tượng” mang tính nhất thời để đánh đồng “bản chất”, để xuyên tạc chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng về phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển nông nghiệp Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã bác bỏ hoàn toàn mọi luận điệu của các thế lực thù địch. Ngay từ rất sớm, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương đúng đắn để phát triển nông nghiệp. Hội nghị Trung ương lần thứ tám của Đảng (khóa II, 1955) nhấn mạnh: Sản xuất nông nghiệp là mấu chốt của việc khôi phục kinh tế quốc dân, mấu chốt của toàn bộ công tác kinh tế, tài chính của chúng ta. Phải đặc biệt chú trọng việc khôi phục sản xuất nông nghiệp... Nhờ đó, trong những năm 1956-1959, nông nghiệp Việt Nam được mùa liên tiếp, cộng với số gạo viện trợ của các nước dẫn tới việc giá thóc gạo trên thị trường xuống thấp hơn giá chỉ đạo của mậu dịch.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (1960), Đảng ta xác định: Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), Đảng chỉ rõ: Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (1982), Đảng nhấn mạnh: Tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng; kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý.
Tháng 12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới kinh tế; thực hiện ba chương trình kinh tế lớn, nhấn mạnh vai trò hàng đầu của nông nghiệp trong việc đáp ứng những yêu cầu cấp bách về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Phấn đấu đưa nông nghiệp trở thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa xã hội chủ nghĩa. Đại hội khẳng định, trong toàn bộ quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, không được tách rời nông nghiệp với công nghiệp, không thể chỉ coi trọng nông nghiệp hoặc công nghiệp. Nhưng ở mỗi giai đoạn, trong từng chặng đường, vị trí của nông nghiệp và công nghiệp có khác nhau. Trong chặng đường hiện nay phải tập trung sức phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1991) và các nghị quyết của Trung ương khóa VII tiếp tục khẳng định, làm rõ quan điểm công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện là nhiệm vụ trung tâm nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII), lần đầu tiên Đảng ta đã đưa ra khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và kinh tế nông thôn, coi đó là nhiệm vụ chiến lược có tầm quan trọng hàng đầu.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương V (khóa IX) về “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010” đã làm rõ hơn những nội dung tổng quát và quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp đó, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006), Đảng ta nhấn mạnh: “Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng”. Cụ thể hóa quan điểm của Đại hội X, Hội nghị Trung ương lần thứ bảy (khóa X) ra Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, ngày 5-8-2008, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khẳng định những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và hiệu quả.
2. Thực hiện và thể chế hóa Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, ngày 5-8-2008, của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa X, đặc biệt là Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, ngày 16-6-2022, của Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, đề án và cơ chế, chính sách, trong đó tập trung và nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.
Cùng với đó là sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn dân, giúp nông nghiệp Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh, ổn định trong một thời gian dài, đa dạng hóa và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, hiện đại, chuyển mạnh theo hướng phát huy lợi thế, sản xuất hàng hóa với quy mô phù hợp nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; an toàn thực phẩm được coi trọng, bảo đảm. Năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều sản phẩm nông nghiệp được nâng cao, có khả năng cạnh tranh và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước và thế giới. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng nhanh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước.
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành giai đoạn 2011-2020 đạt 2,93%/năm; trong đó, năm 2021 đạt 3,27% và năm 2022 đạt 3,36%, 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,07%. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2020 đạt 341,7 tỷ USD, bình quân đạt 34,17 tỷ USD/năm, tăng trưởng 5,38%/năm. Riêng năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt kết quả cao kỷ lục 53,53 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2021, có 12 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh xuyên biên giới (như đại dịch Covid-19) hay xung đột địa - chính trị, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn. Đặc biệt, giá trị tăng thêm ngành Nông nghiệp quý I-2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Kết quả đó khẳng định chủ trương của Đảng về phát triển Nông nghiệp là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp luôn chuyển dịch theo hướng tích cực, gia tăng sản phẩm có giá trị kinh tế, có lợi thế cạnh tranh. Sự phát triển của ngành Nông nghiệp là cơ sở quan trọng và tạo tiền đề nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đại bộ phận nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
*
* *
Đảng ta khẳng định nông nghiệp là lợi thế của quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Nhờ thực hiện tốt chủ trương đó, nông nghiệp Việt Nam có sự phát triển toàn diện. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới.
Thành tựu ngành Nông nghiệp đạt được trong thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố mang tính quyết định. Đâu đó những hình ảnh, video, clip trên mạng xã hội hay những bài viết, bình luận trên một số trang báo phản động về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở một số địa phương ở Nam Bộ là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp. Đấu tranh phản bác lại những luận điệu sai trái đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, qua đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.