Ngân hàng Nhà nước vừa lấy ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23-4-2023, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Theo đó, thời hạn hiệu lực của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ kéo dài đến hết ngày 31-12-2024 thay cho ngày 30-6-2024. Điều đó đồng nghĩa, doanh nghiệp được hưởng thụ chính sách hỗ trợ của ngân hàng thêm 6 tháng.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi trong những tháng đầu năm 2024, song doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước là tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc kéo dài thời hạn cơ cấu nợ không ảnh hưởng đến việc trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng, mà còn giúp giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ khách hàng.
Còn theo đánh giá của các chuyên gia, điểm quan trọng của chính sách này là doanh nghiệp chưa có khả năng trả nợ ngân hàng do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, có thể được cơ cấu lại thời gian trả mà không bị chuyển sang nhóm nợ xấu. Như vậy, doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, việc kéo dài thời hạn thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ giúp các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp như chủ trương của Chính phủ.
Thực tế, chính sách này đã được thực hiện hiệu quả khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Theo thống kê, trong đợt cơ cấu nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, gần 1,1 triệu khách hàng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, với giá trị hơn 722 nghìn tỷ đồng.
Từ góc độ khách hàng, đây là chính sách được mong đợi khi doanh nghiệp được khoanh nợ cũ, đồng nghĩa với việc có thể tiếp cận khoản vay mới để sản xuất, kinh doanh. Sản xuất, kinh doanh phục hồi, doanh nghiệp có dòng tiền thanh toán khoản nợ cũ, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Chính sách này không chỉ phát huy hiệu quả trực tiếp mà phạm vi hưởng thụ sự hỗ trợ khá rộng. Với ý nghĩa đó, cộng đồng doanh nghiệp đang rất mong chờ Thông tư số 02/2023/TT-NHNN được sửa đổi sớm, cùng với đó, các thủ tục sẽ đơn giản hơn để cả doanh nghiệp và ngân hàng dễ thực hiện. Ngoài chính sách về khoanh, giãn, cơ cấu thời hạn trả nợ, doanh nghiệp cũng mong muốn ngành Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, có các khoản vay ưu đãi với những lĩnh vực kinh tế trọng yếu.
Thực tế nền kinh tế có dấu hiệu tích cực hơn trong những tháng đầu năm 2024, song khó khăn, thử thách vẫn hiện diện. Theo số liệu thống kê, trong 4 tháng đầu năm cả nước có 81,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023, bình quân mỗi tháng có 20,3 nghìn doanh nghiệp ra đời hoặc trở lại hoạt động. Tuy nhiên, cùng thời điểm cũng có tới 86,4 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023, bình quân mỗi tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp đóng cửa.
Những số liệu trên phần nào cho thấy bức tranh chung của nền kinh tế. Điều đó đòi hỏi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đồng bộ, hiệu quả hơn trên nhiều lĩnh vực, tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.