(HNM) - Ít ngày qua, thông tin về giá chào bán bản quyền truyền hình bóng đá Ngoại hạng Anh ở mức quá cao đã khiến nhiều người băn khoăn. Có quá nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh sự kiện này. Các đài truyền hình ở Việt Nam sẽ ứng xử thế nào. Có hợp tác cùng mua - bán lại, hay một nơi nào đó "xé rào làm quả lẻ"?
Tháng 8 tới, khi mọi sự ngã ngũ, giả sử như lãnh thổ Việt Nam được quyền có sóng trực tiếp giải Ngoại hạng Anh thì các hộ gia đình muốn xem có phải mua - đổi phương tiện tiếp sóng, như đã từng nháo nhào chạy theo các loại đầu VTC, K+…
Thực ra, phía sau chuyện nói trên không hẳn chỉ là suy nghĩ về sự đắt - rẻ, mà còn có sự hồ nghi về quyền được lựa chọn của khách hàng - một thứ quyền nhẽ ra phải được bảo đảm trong mọi tình huống kinh doanh. Người ta có quyền bán với giá cao, theo quy luật thương trường, miễn là không phạm luật. Khách hàng có quyền lựa chọn thứ phù hợp, mua hoặc không mua thứ mình thích - không thích, về cơ bản là như vậy. Nhưng, cũng có lúc, đối với một số loại hàng hóa, khách hàng không có được quyền lựa chọn đầy đủ. Ta muốn sống thì phải ăn, mặc, mà là ăn không phải chỉ một thứ. Thực phẩm bẩn tràn lan, hàng hóa không rõ nguồn gốc đầy chợ, giá cả không được niêm yết như quy định, "người trần mắt thịt" có thể lựa chọn thứ an toàn, có giá bán đúng với giá trị thật mà không bị nhầm lẫn? Thuê bao truyền hình trả tiền cũng vậy, chấp nhận bỏ đủ tiền phù hợp với nhu cầu cá nhân nhưng không thể chắc quyền của mình sẽ được bảo đảm. Sau mùa bóng này là hết hạn 3 năm hợp đồng độc quyền phát sóng loạt trận Super Sunday, giải Bóng đá Ngoại hạng Anh của VSTV, liệu những người đã "rước" K+ về nhà có phải móc túi mua loại đầu thu khác vào đầu mùa thu năm nay, khi mùa bóng mới bắt đầu? Khách hàng của VCTV, vốn đã đi từ chỗ yên tâm xem trọn giải Ngoại hạng Anh diễn ra vào tối thứ bảy sang chỗ "phập phù", giờ có thể yên tâm về quyền của mình?
Sáng qua, chủ nhật 27-1, chương trình "Cà phê sáng cuối tuần" của VTV 3 có đưa nội dung cuộc phỏng vấn tổng giám đốc một tập đoàn kinh doanh đa ngành, đề tài về văn hóa bán hàng. Bài học từ vị nữ tổng giám đốc được cho là "đi lên từ hai bàn tay trắng" này rất đơn giản: Người bán hàng giỏi là người biết đặt mình vào vị trí của người mua, tức là hiểu quyền - thế mạnh được lựa chọn của họ để có thái độ, giải pháp bán hàng phù hợp. Nếu một số đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền học được nguyên tắc bán hàng của vị tổng giám đốc nọ, hẳn họ sẽ may mắn hiểu được nhiều thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền đang nghĩ gì. Mà có hiểu thì mới tiến bộ được, mới có thể hành động phù hợp với điều mà ai cũng tưởng như đã thuộc lòng "khách hàng là thượng đế".
Nhà kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam, với tư cách là khách hàng của phía chào bán bản quyền truyền hình trực tiếp giải bóng đá Ngoại hạng Anh có quyền mua hoặc không mua, khán giả cả nước sẽ thông cảm với họ. Mặt khác, đã đến lúc các thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước cần thể hiện đầy đủ quyền của mình: Kiên quyết nói không với những nhà cung cấp dịch vụ không thể bảo đảm quyền lợi cho khách hàng một cách ổn định, loại bỏ xu hướng kinh doanh "chộp giật" bằng cách không tạo thêm tiền lệ xấu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.