Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội: Nhân lên những mô hình điểm

Nguyễn Thanh| 29/10/2022 06:13

(HNM) - Sau 5 năm triển khai thực hiện, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử của cộng đồng. Kết quả này đến từ việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động song hành với sáng tạo, nhân rộng những cách làm hay, mô hình điểm. Ngành Văn hóa Thủ đô đang tích cực lan tỏa cách làm này, nhằm nâng cao hơn nữa việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Tìm hiểu Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Giang Nam

“Vườn ươm” nuôi dưỡng văn hóa ứng xử

Đặt chân tới Trường Trung học cơ sở Gia Thụy (phường Gia Thụy, quận Long Biên), nhiều người dễ dàng cảm nhận nguồn năng lượng tích cực từ thông tin được in trang trọng trên tấm biển to trước cổng: “Giáo viên, học sinh Trường Trung học cơ sở Gia Thụy thực hiện văn hóa chào hỏi trong và ngoài nhà trường”. Được biết, đây là mô hình văn hóa được triển khai, nhân rộng trong nhà trường từ đầu năm học 2022-2023. Theo đó, ngoài phổ biến và tuyên truyền trên các website, hệ thống phát thanh của trường, nhà trường còn lồng ghép mô hình này qua các giờ học đạo đức, giáo dục công dân, tiết sinh hoạt ngoại khóa...

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Gia Thụy Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: “Văn hóa chào hỏi bồi đắp nhiều giá trị tốt đẹp cho cả người thực hiện và người đón nhận. Trong nhà trường, chúng tôi xác định, việc này cần triển khai kiên nhẫn và khéo léo, chú trọng định hướng, không ép buộc, bắt đầu từ việc người lớn làm gương cho trẻ nhỏ để có thể mang lại hiệu quả lâu dài”. 

Điều đáng nói, dù triển khai chưa lâu, song đến nay, mô hình này đã trở thành thói quen hằng ngày, nét đẹp văn hóa của thầy và trò Trường Trung học cơ sở Gia Thụy. Việc chào hỏi diễn ra rất thoải mái, tự nhiên, tạo nên bầu không khí thân thiện, cởi mở, đầy năng lượng. Em Nguyễn Gia Hoàng (học sinh lớp 8A3) chia sẻ: “Ở trường, chúng em được hướng dẫn khoanh tay, mỉm cười, cúi chào; khích lệ thực hành mọi lúc, mọi nơi để xây dựng con người văn hóa. Giờ đây đi đâu em cũng áp dụng và thấy rất vui khi mọi người đều vui vẻ đáp lại hành động của mình”.

Không chỉ riêng Trường Trung học cơ sở Gia Thụy, văn hóa chào hỏi đã và đang được ươm mầm, nhân rộng trong rất nhiều nhà trường trên địa bàn quận Long Biên, góp phần bồi đắp, lan tỏa văn hóa giao tiếp gắn với hệ thống quy tắc ứng xử của thành phố. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Đinh Thị Thu Hương, từ mô hình đầu tiên tại Trường Trung học cơ sở đô thị Việt Hưng, quận Long Biên đã đưa “văn hóa chào hỏi” tới tất cả các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn trong năm học 2022-2023, phát huy vai trò “vườn ươm” nuôi dưỡng văn hóa ứng xử cho lớp trẻ.

 “Cùng với mô hình này, quận Long Biên còn nhiều mô hình văn hóa triển khai hiệu quả, được người dân tích cực đón nhận, như: Mô hình “Tổ dân phố xanh - sạch - đẹp - văn minh”; mô hình “Tuyến đường, tuyến phố nở hoa”…”, bà Đinh Thị Thu Hương nói.

Mô hình điểm “Giáo viên, học sinh Trường Trung học cơ sở Gia Thụy thực hiện văn hóa chào hỏi trong và ngoài nhà trường” được nhân rộng tại quận Long Biên.

Lan tỏa thông điệp ứng xử văn hóa

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang mang đến những thay đổi rõ nét. Thông điệp về văn hóa ứng xử được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, góp phần đẩy lùi những hành vi ứng xử thiếu văn hóa; đồng thời, khích lệ sự ra đời của ngày càng nhiều những việc làm vì đời sống văn hóa cộng đồng, trong đó có việc ươm mầm, nhân rộng các mô hình điểm từ thành phố tới cơ sở.

Cụ thể, từ 10 mô hình điểm đầu tiên được phát động triển khai, xây dựng năm 2019, các ngành, địa phương đã tích cực lan tỏa về cơ sở, đơn vị bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức căng, treo phông nhận diện mô hình, niêm yết tiêu chí mô hình tại địa điểm dễ thấy; đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, các hội thảo, tọa đàm, giao lưu, gặp gỡ các mô hình tiêu biểu, in phát tờ rơi quảng bá… Đặc biệt, song hành với việc triển khai thực hiện 10 mô hình mà thành phố phát động, các địa phương còn tích cực sáng tạo những mô hình mới, phù hợp với đặc thù, thế mạnh của mình để nâng cao hiệu quả thực hiện hệ thống quy tắc ứng xử.

Có thể kể đến, mô hình “Di tích lịch sử, văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” tại quận Bắc Từ Liêm; mô hình “Tổ dân phố 5 không” ở quận Thanh Xuân; mô hình “Tuổi trẻ Sơn Tây tuyên truyền trực quan Quy tắc ứng xử nơi công cộng”… Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Bắc Từ Liêm Phan Thị Thanh Huyền cho biết: “Mô hình điểm “Di tích lịch sử, văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” được phát động tại mọi điểm di tích trên địa bàn quận, nhằm tiếp nối các hoạt động xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; hình thành thói quen tuân thủ những quy định về gìn giữ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến di sản.

Còn theo Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Minh Hoàng, khơi dậy ý thức trách nhiệm của mỗi con người với nơi mình sống, làm việc là mục tiêu quan trọng của việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm về quy tắc ứng xử, từ đó nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Ngoài việc vận động, hướng dẫn triển khai mô hình, các địa phương cần thường xuyên khích lệ, có chính sách động viên, hỗ trợ để các mô hình có sức sống bền bỉ, thực sự phát huy hiệu quả trong việc hình thành, bồi đắp văn hóa ứng xử trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội: Nhân lên những mô hình điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.