Văn hóa

Thực hiện hai quy tắc ứng xử:Định hình văn hóa Hà Nội

Hoàng Lân 14/08/2024 - 06:36

Sau hơn 7 năm đi vào cuộc sống (từ năm 2017), việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã mang lại những hiệu quả nhất định.

Nhiều mô hình ở các cơ quan, đơn vị, trường học, nơi công cộng cho thấy sự chuyển biến rõ nét về ứng xử thanh lịch, văn minh trong cán bộ, công chức, người dân, góp phần định hình văn hóa người Hà Nội trong giai đoạn mới.

ung-xu-1.jpg
Đoàn kiểm tra Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội kiểm tra tại Trường Tiểu học Vạn Phúc (quận Hà Đông). Ảnh: Hoàng Quyên

Nhân lên những mô hình hay

Đầu tháng 8-2024 vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ quận Cầu Giấy ra mắt mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng khu di tích lịch sử kiểu mẫu” thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại chùa Thánh Chúa (phường Dịch Vọng Hậu) và mô hình Phụ nữ tham gia xây dựng tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu tại phường Nghĩa Đô.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Xuân Nữ cho biết, triển khai mô hình, Hội Liên hiệp phụ nữ quận đã thành lập nhóm nòng cốt tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi thờ tự tại chùa Thánh Chúa với 15 thành viên, tổ chức vận động nhân dân, khách tham quan thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; hỗ trợ, nhắc nhở du khách có trang phục chưa phù hợp.

Tại quận Hai Bà Trưng, chợ Hôm - nơi luôn có đông người dân và du khách đến tham quan, mua sắm đã có sự thay đổi rõ nét sau khi thực hiện mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”. Chị Nguyễn Thu Trang (phường Đồng Nhân) chia sẻ, trước kia chị rất ngại vào chợ vì cảnh chen lấn và nói thách giá hàng hóa. Giờ đây, các cửa hàng đều niêm yết giá và có mã QR để người dân, du khách thuận tiện thanh toán.

Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng Thành Thị Kiều Oanh, quận đã yêu cầu các phường tổ chức trang trí nơi tiếp công dân thân thiện, sạch đẹp, cán bộ luôn có tác phong làm việc gần gũi, văn minh. Ngoài ra, quận còn thực hiện đề án Đội hình tình nguyện “Camera 360 trẻ”, cung cấp hình ảnh, video clip về nêu gương, việc làm tốt và phản ánh những hành vi, việc làm chưa tốt trong nhiều lĩnh vực.

Trong khi đó, tại quận Long Biên, các thủ tục hành chính theo từng lĩnh vực được mã hóa QR code để người dân có thể tra cứu và thực hiện một cách nhanh chóng. Quận Bắc Từ Liêm duy trì thực hiện gửi “Thư xin lỗi” đối với các tổ chức, cá nhân khi có hồ sơ giải quyết không đúng hẹn...

Cần thêm nhiều hoạt động thực chất

ung-xu-2.jpg
Bộ phận “một cửa” UBND phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) thực hiện mô hình “Cơ quan xanh, nơi làm việc ngăn nắp, gọn gàng”. Ảnh: Hoàng Quyên

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện thành phố có nhiều mô hình thiết thực, ý nghĩa trong thực hiện 2 quy tắc ứng xử. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố triển khai xây dựng 55 mô hình “Tổ dân phố, thôn văn hóa kiểu mẫu trong tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng”, 21 mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” và 31 mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu trong tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng”...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá, sau hơn 7 năm triển khai Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều mô hình hiệu quả được lan tỏa đang mang đến sự chuyển biến mạnh mẽ về ứng xử thanh lịch, văn minh trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Bên cạnh những dấu ấn tích cực, việc triển khai 2 quy tắc ứng xử còn gặp một số hạn chế nhất định. Ghi nhận từ Đoàn kiểm tra thực hiện 2 quy tắc ứng xử do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức trong tháng 8 này tại các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Hà Đông, Long Biên, Thanh Oai, Gia Lâm... cho thấy, việc triển khai các quy tắc còn không ít bất cập. Điển hình như biển niêm yết nội dung tuyên truyền 2 quy tắc ứng xử ở nhiều nơi đã bị mờ chữ, xuống cấp. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hà Đông Phạm Đình Tuyên cho biết, công tác tuyên truyền ở một số nơi chưa sinh động, còn hình thức, chưa tạo được ấn tượng về nội dung các quy tắc ứng xử. Còn theo Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Hai Bà Trưng Thành Thị Kiều Oanh, ý thức chấp hành quy định về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Trưởng phòng Dân vận các cơ quan nhà nước (Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội) Phạm Khắc Khải cho biết, sẽ đề xuất thành phố thay biển tuyên truyền 2 quy tắc ứng xử treo tại các cơ quan, khu di tích bằng chất liệu bền hơn; đồng thời đề nghị các địa phương xây dựng các phong trào đi vào thực chất. Còn Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho rằng, việc tuyên truyền các quy tắc ứng xử cần thực hiện bền bỉ, lâu dài và có sự chung tay của các cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục nhân rộng những mô hình, cách làm hiệu quả; kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong việc tuyên truyền quy tắc ứng xử, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

thu-hong.jpg

Trưởng ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Hoàng Thu Hồng:

Đẩy mạnh tuyên truyền nét văn minh tại chợ truyền thống

Khi triển khai mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, chúng tôi nhận thấy nhiều khó khăn vì hiện nay chợ truyền thống không thu hút được người mua như trước do sự cạnh tranh của hệ thống bán hàng trực tuyến, cửa hàng tiện ích và trung tâm thương mại, siêu thị. Vì thế, việc đẩy mạnh tuyên truyền tới các tiểu thương nhằm thay đổi nhận thức và cách bán hàng cần phải thực hiện thường xuyên để người dân và du khách tìm thấy được sự tiện ích, văn minh khi đi chợ truyền thống.

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đã xây dựng hàng chục mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, vận động người bán hàng thực hiện niêm yết giá, bán hàng đúng giá, không nói thách; tác phong đón tiếp người mua niềm nở, lịch sự; thực hiện quét mã QR để khách tiện thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt... Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm rác thải nhựa... cần được đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp thay đổi nhận thức của người bán hàng và người mua hàng.

viet-ha.jpg

Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thị Việt Hà:

Khen thưởng kịp thời người làm tốt

Việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố thời gian qua đã có sự chuyển biến sâu rộng. Nhiều mô hình đã đi vào thực chất, mang đến hiệu quả cao trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Các cơ quan, công sở đã hình thành môi trường làm việc, tiếp xúc nhân dân thân thiện, hiệu quả. Nhiều trường học đã quan tâm giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, xây dựng các thư viện xanh để phát triển văn hóa đọc. Các mô hình của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và Thành đoàn Hà Nội về ứng xử văn minh tại các di tích, chợ... đang mang lại hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của người dân.

Để việc tuyên truyền 2 quy tắc ứng xử hiệu quả hơn, các địa phương cần khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, đơn vị, cá nhân có những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, thực chất, hiệu quả, từ đó nhân rộng và lan tỏa ứng xử văn minh, thanh lịch ra cộng đồng.

xuan-thuy.jpg

Phó Trưởng ban Quản lý di tích phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) Đỗ Xuân Thủy:

Nên in song ngữ nội dung các quy tắc ứng xử

Cùng với việc treo biển tuyên truyền nội dung 2 quy tắc ứng xử ở nơi người dân dễ tiếp cận, các tổ dân phố của phường Vạn Phúc đều nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện ứng xử văn minh, lịch sự tại các khu, điểm di tích. Người dân khi đến di tích đều thể hiện sự tôn nghiêm, xếp hàng trật tự, nói năng nhẹ nhàng, trang phục lịch sự, phù hợp.

Mặc dù vậy, việc tuyên truyền các quy tắc ứng xử với du khách nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn do người nước ngoài không hiểu tiếng Việt. Hiện biển tuyên truyền 2 quy tắc ứng xử được treo ở khuôn viên di tích mới có bản chữ tiếng Việt và đã bị mờ sau thời gian dài treo ở ngoài trời. Vì thế, vẫn có những vị khách nước ngoài đến các điểm di tích mặc trang phục chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam. Tôi đề xuất nên thay biển tuyên truyền bằng vật liệu bền hơn như đóng khung kính và nên có thêm bản dịch tiếng Anh, bởi ở những di tích thường thu hút đông khách du lịch, trong đó có khách nước ngoài.

Hoàng Vũ ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện hai quy tắc ứng xử: Định hình văn hóa Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.