Văn hóa

Huế: Tạm đưa ngai vàng tại điện Thái Hòa vào kho cổ vật sau vụ việc du khách quậy phá

Hoàng Lân 25/05/2025 - 11:40

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đưa ngai vua triều Nguyễn vào bảo quản tại kho cổ vật, đồng thời đưa ngai phục chế đến trưng bày tại điện Thái Hòa phục vụ du khách.

ngai-vang-1.jpg
Ngai vàng tại điện Thái Hoà, Đại Nội Huế hiện tạm thời đã được đưa vào bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế . Ảnh: Cục DSVHVN

Việc tạm thời đưa ngai vàng ở điện Thái Hòa vào bảo quản tại kho cổ vật là do vào ngày 24-5, một du khách tên Hồ Văn Phương Tâm (1983), thường trú phường Hương Long, quận Phú Xuân, thành phố Huế, mua vé vào cổng Đại Nội Huế rồi tìm cách lẻn vào khu vực trưng bày ngai vua, la hét, sau đó làm gãy phần tựa phía trước tay bên trái.

Đối tượng này sau đó đã được lực lượng chức năng khống chế, báo Công an phường Đông Ba đến lập biên bản bắt giữ và tiếp tục điều tra. Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa thể lấy lời khai với Tâm do anh ta có biểu hiện loạn thần, la hét, nói nhảm.

Đây là sự việc hy hữu, trước nay chưa từng xảy ra đối với ngai vàng được tôn trí trang nghiêm tại ngôi điện quan trọng nhất ở Đại Nội Huế, mặc dù thời gian qua Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có nhiều giải pháp đảm bảo an ninh trong khu di sản như tăng cường lắp đặt camera giám sát, xây dựng quy chế phân công trực bảo vệ, có bộ phận cơ động thường xuyên kiểm tra các địa bàn di tích...

ngai-vang.jpg
Ngai vàng được đặt ở vị trí trung tâm của điện Thái Hòa, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015. Ảnh: Cục DSVHVN

Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong Đại Nội Huế, nơi nhà vua ngự ngai vàng, tổ chức các buổi thiết triều, đại lễ và nghi thức quan trọng, ghi dấu lịch sử thăng trầm của 13 vị hoàng đế nhà Nguyễn. Ngai vàng được đặt ở vị trí trung tâm của điện Thái Hòa, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015.

Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chỉ đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đưa ngai vua triều Nguyễn về lưu giữ, bảo quản tại kho cổ vật, đồng thời đưa ngai phục chế đến trưng bày tại điện Thái Hòa phục vụ du khách.

Thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ mời các chuyên gia, nghệ nhân để cùng đánh giá và lập phương án tu sửa phù hợp; đồng thời có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện để đảm bảo an toàn cho hệ thống hiện vật trưng bày.

Để phòng tránh sự việc tương tự, trong thời gian tới Trung tâm sẽ xây dựng phương án đảm bảo chặt chẽ an ninh, an toàn trong khu di sản nói chung và đối với hiện vật, cổ vật, đặc biệt là bảo vật quốc gia, tập trung vào các giải pháp: tăng cường các trang thiết bị an ninh, công cụ hỗ trợ; tăng cường công tác bảo vệ, tập huấn xử lý các tình huống an ninh, phát hiện và ngăn chặn sớm các hiện tượng nghi vấn…

ngai-vang-2.jpg
Trước đó, ngai vàng này được trưng bày tại Đại Nội Huế để phục vụ khách tham quan. Ảnh: Cục DSVHVN

Trước vụ việc đáng tiếc này, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn 566/DSVH-ĐT ngày 24-5-2025 đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng, bảo đảm an ninh, an toàn, kịp thời bảo vệ bảo vật quốc gia và di tích Cố đô Huế, và báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 26-5-2025.

Đồng thời, Cục yêu cầu Trung tâm tổ chức đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia, kịp thời đề xuất giải pháp xử lý, bảo quản theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia theo hướng dẫn tại Công văn số 1669/DSVH-QLBT&DSTL ngày 22/4/2024 của Cục Di sản Văn hóa về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia và lập hồ sơ hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đợt 13, năm 2024.

Luật Di sản Văn hóa hiện hành và Khoản 2 Điều 9 Luật Di sản Văn hóa năm 2024 quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “Xâm hại, hủy hoại di sản văn hóa”. Bộ luật Hình sự cũng quy định đồng bộ với Luật Di sản Văn hóa về tội vi phạm các quy định liên quan đến hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, với các mức độ gây hậu quả. Về chế tài, hệ thống pháp luật đều có quy định xử lý vi phạm tùy theo mức độ: từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ cho đến phạt tù.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huế: Tạm đưa ngai vàng tại điện Thái Hòa vào kho cổ vật sau vụ việc du khách quậy phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.