Chiều 23-12, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; đánh giá kết quả triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử của Thành phố giai đoạn 2017-2024.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng cho rằng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Nhiều năm qua, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đã làm tốt phong trào này, trong đó có nhiều mô hình hay, hiệu quả đã góp phần lan tỏa lối sống đẹp, văn minh trong người dân.
Riêng ở Hà Nội, việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố đã tạo nên nét văn hóa riêng của người Hà Nội.
Ông Lương Đức Thắng cũng cho rằng, thời gian tới, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và 2 Quy tắc ứng xử cần phải có cách làm đổi mới, sáng tạo để đáp ứng được với “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Việc xây dựng môi trường văn hóa cần phải được thực hiện từ ý thức của mỗi người, từ đó mới lan tỏa rộng trong gia đình, đơn vị, nhà trường, xã hội. “Để làm tốt các phong trào thì trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu rất quan trọng”, ông Lương Đức Thắng nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, thời gian tới, cần đẩy mạnh và mở rộng thêm các phong trào, trong đó, phong trào “sáng – xanh - sạch - đẹp” gắn vào các hoạt động thi đua tại địa phương. Trong dịp Tết Ất Tỵ đang đến gần, các địa phương cần lưu ý đến việc giữ gìn không gian văn hóa, tăng cường tuyên truyền ứng xử văn minh lễ hội tới người dân và du khách, hạn chế đốt vàng mã và sử dụng chất gây cháy nổ…
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, gần 8 năm thực hiện, các Quy tắc ứng xử đang ngày càng trở nên thân thuộc với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân trên địa bàn thành phố. Từ thành phố tới cơ sở, hàng trăm cách làm hay, mô hình điểm đã và đang được triển khai, nhân rộng nhằm hiện thực hóa Quy tắc ứng xử của thành phố. Dù nhiều mô hình có nội dung tương tự, song việc triển khai không bị dập khuôn mà có sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, đặc trưng, tính chất địa bàn, dân cư sinh sống.
Các địa phương, đơn vị, bám sát yêu cầu thực tiễn, góp phần vào việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch văn minh trong thời kỳ mới, coi đây là nguồn động lực quan trọng cho xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn Hiến – Văn minh – Hiện đại” năm 2024.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng chỉ ra, việc triển khai các Quy tắc ứng xử của thành phố còn gặp một số hạn chế nhất định. Hà Nội đất chật người đông, nhiều người lao động từ các địa phương khác về làm ăn, sinh sống, chưa thực sự hòa nhập với nếp sống văn hóa ở Thủ đô. Công tác tuyên truyền được quan tâm, nhưng chưa thường xuyên, liên tục, chưa phân loại được các đối tượng để tuyên truyền. Đối với việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, người dân có lúc vẫn còn thiếu ý thức trong việc ứng xử với không gian chung. Một số cá nhân có hành vi ứng xử thiếu văn hóa ở nhà trường, nơi công cộng, khi tham gia giao thông...
Tại hội nghị, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hướng dẫn, tập huấn về công tác quản lý lễ hội; việc triển khai tuyên truyền cổ động trực quan, trang trí chiếu sáng mỹ thuật, đăng ký xây dựng tuyến đường thôn, tổ dân phố trang trí cổ động trực quan kiểu mẫu, điểm check-in…
Tại hội nghị, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 – 2024.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.