Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Nhiều hạn chế, bất cập

Bạch Thanh| 26/04/2017 06:53

(HNM) - Tình trạng vi phạm trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm là vấn đề nóng và luôn được người dân quan tâm. Trong khi đó, công tác quy hoạch, quản lý giết mổ đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập: Nhiều cơ sở giết mổ tập trung xây dựng xong phải đóng cửa, một số khác lại hoạt động cầm chừng, trong khi tình trạng giết mổ nhỏ lẻ vẫn diễn ra tràn lan.

Nhiều cơ sở giết mổ tập trung đang hoạt động cầm chừng. Ảnh: Linh Ngọc


Ngổn ngang quy hoạch

Huyện Đông Anh là một trong những "điểm nóng" về hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm của TP Hà Nội. Toàn huyện có 63 điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, 2 khu vực giết mổ tập trung quy mô lớn ở thôn Cổ Điển xã Hải Bối và chợ đầu mối Bắc Thăng Long, trung bình mỗi ngày giết mổ hơn 30 tấn thịt trâu, bò, 20 tấn thịt lợn, khoảng 15 tấn gia cầm… Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đông Anh Phạm Hồng Thái thừa nhận: Việc kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y trên địa bàn huyện rất khó khăn, mới kiểm soát được khoảng 60% cơ sở, còn lại là các cơ sở giết mổ không có hệ thống xử lý chất rắn, nước thải, trang thiết bị hành nghề thủ công không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh thú y...

Đây không chỉ là thực trạng của riêng huyện Đông Anh mà còn là của nhiều huyện, thị xã trên địa bàn thành phố như Thanh Oai, Hoài Đức, Phúc Thọ… Toàn thành phố mới chỉ có 100 cơ sở, điểm giết mổ tập trung được kiểm soát, còn khoảng 1.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư chưa được kiểm soát, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường...

Theo quy hoạch đến năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội có 11 điểm giết mổ công nghiệp và 38 điểm giết mổ thủ công tập trung. Theo tìm hiểu, đến nay, thành phố có 12 cơ sở, điểm quy hoạch giết mổ đi vào hoạt động, còn lại 6 cơ sở đang triển khai xây dựng hoặc đang triển khai xây dựng nhưng tiến độ chậm; 31 điểm giết mổ chưa được triển khai thực hiện, cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Một trong những nguyên nhân vướng mắc được cơ quan quản lý nhà nước chỉ ra hiện nay là quy hoạch bị chồng chéo. Đơn cử, tại huyện Đông Anh đã được quy hoạch 2 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại xã Thụy Lâm và Hải Bối với quy mô 0,5ha/điểm. Tuy nhiên, điểm giết mổ tại xã Hải Bối bị trùng với quy hoạch phân khu đô thị N4 đã được UBND thành phố phê duyệt.

Ngoài ra, nhiều địa phương bố trí quy hoạch giết mổ từ trước năm 2012, đến nay không phù hợp với quy hoạch nông thôn mới cũng như tình hình phát triển thực tế tại địa phương dẫn tới dự án không khả thi. Ví như huyện Phúc Thọ, địa phương đang xin điều chỉnh thay đổi quy hoạch thêm 6 điểm giết mổ bán công nghiệp xa khu dân cư tại 6 chợ dân sinh trên địa bàn...

Siết chặt quản lý

Trao đổi về việc các dự án giết mổ chậm được triển khai và phải điều chỉnh quy hoạch, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết: Các điểm giết mổ đã được quy hoạch trước đây nhưng đến nay lại không phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương; chính quyền địa phương chưa bố trí được quỹ đất xây dựng hoặc gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng. Đặc biệt đối với các huyện ven đô như: Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm…, quy hoạch giết mổ bị chi phối, thay đổi bởi nhiều quy hoạch đô thị, giao thông khác.

Ở một diễn biến có liên quan, nhiều địa phương thiếu cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ; đồng thời chưa quyết liệt trong việc đưa các điểm giết mổ nhỏ lẻ vào hoạt động tại nơi quy hoạch tập trung đã hoàn thiện, dẫn tới các điểm giết mổ tập trung đã được đầu tư hạ tầng chỉ hoạt động từ 10% đến 30% công suất, gây lãng phí lớn...

Trước đòi hỏi của công tác quản lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường…, Thành phố đã ban hành các văn bản số 8071/VP-KT ngày 9-9-2016 và 9910/VP-KT ngày 25-10-2016 về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn đến năm 2020.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, trong thời gian chờ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch của thành phố, các huyện, thị xã chỉ nên cho phép cơ sở giết mổ quy mô lớn hoạt động tạm thời. Các huyện đã xây dựng xong các điểm giết mổ công nghiệp tập trung phải tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm cơ sở không phép, nhỏ lẻ, tự phát, gây ô nhiễm môi trường... Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục tập trung xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ "đầu vào" tới "đầu ra" (chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm).

Đi đôi với tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong công tác giết mổ tại các chợ dân sinh, cơ sở nhỏ lẻ trong khu dân cư... ngành Nông nghiệp phối hợp tích cực với sở, ngành liên quan sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX nhanh chóng triển khai dự án thuộc lĩnh vực giết mổ. Đồng thời, Sở NN&PTNT tham mưu với thành phố tạo cơ chế đặc thù, có sự hỗ trợ về vốn vay, mặt bằng... nhằm thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này. Đặc biệt, đối với những dự án đã được các cấp phê duyệt, nếu việc thực hiện chậm tiến độ, kéo dài, không hiệu quả Sở sẽ đề xuất thành phố thu hồi và giao cho đơn vị khác đủ năng lực thực hiện...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm: Nhiều hạn chế, bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.