An toàn thực phẩm

Thực trạng giết mổ gia cầm tại chợ: Tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng

Ngọc Quỳnh 07/02/2024 - 09:45

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm tăng cao nên hoạt động giết mổ gia cầm ngay tại chợ diễn ra khá phổ biến. Điều đáng lo là tình trạng này không chỉ gây mất an toàn thực phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

giet-mo-gia-cam-tai-cho-chu.jpg
Giết mổ gia cầm tại chợ Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai). Ảnh: Hương Giang

Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, nhất là thịt gia cầm của người dân Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang tăng cao. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại các chợ dân sinh, đặc biệt là chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố những ngày cận Tết, chợ nào cũng bắt gặp hình ảnh gà, vịt… được nhốt trong lồng và giết mổ ngay tại chợ, trên nền gạch cáu bẩn, ngay cạnh rãnh thoát nước…

Ông Nguyễn Văn Võ, hộ kinh doanh gia cầm ở chợ Xanh (phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết, mỗi ngày ông bán được từ 20 đến 30 con gia cầm sống. Những ngày sát Tết, số lượng tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Tất cả khách hàng đều thuê giết mổ và làm sạch luôn, thậm chí có người còn nhờ luộc chín gà ngay ở chợ.

Tương tự, tại chợ Cao (xã Cao Dương, huyện Thanh Oai), việc mua bán, giết mổ gia cầm những ngày cận Tết cũng diễn ra sôi động. Từ đường chính vào đến chợ, phóng viên dễ dàng bắt gặp hình ảnh các tiểu thương vừa bán gia cầm, vừa giết mổ ngay tại chỗ. Bà Nguyễn Thị Lâm, một tiểu thương tại chợ Cao, chia sẻ: “Không chỉ giết mổ gà, vịt cho khách hàng mua của cửa hàng, tôi còn nhận giết mổ thuê khi người dân mang đến, với giá 15.000 đồng/con gà và 20.000 đồng/con vịt”.

Ở góc độ người tiêu dùng, bà Đinh Thị Thu Hà, ở phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) cho hay, vào những ngày Tết Nguyên đán, gia đình bà đều mua 1-2 con gà sống để làm lễ cúng gia tiên. Thế nhưng, do công việc cuối năm bận rộn và ở nhà chung cư, không tiện giết mổ gia cầm, nên bà đều thuê người bán giết mổ và làm sạch.

Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, toàn thành phố hiện có 726 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm; trong đó có 656 cơ sở giết mổ thủ công, chưa bảo đảm các điều kiện về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Mặc dù thành phố đã có quy định cấm giết mổ gia cầm tại chợ dân sinh, song nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công vẫn hoạt động, nằm len lỏi tại các chợ cóc, chợ tạm, chợ dân sinh, khu dân cư…

Xử lý nghiêm vi phạm

Theo Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, thủy sản và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Đình Đảng, để tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công là do chính quyền một số nơi còn chưa thật sự quan tâm đến công tác quản lý hoặt động sơ chế thực phẩm và triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ, lơ là trong việc xử lý sai phạm. Mặt khác, lực lượng cán bộ thú y mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ.

“Các hộ giết mổ chỉ biết lợi ích trước mắt, chưa thấy được nguy hại của việc giết mổ nhỏ lẻ ngay tại chợ, khu dân cư… Việc này vừa gây mất vệ sinh, an toàn thực phẩm, vừa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là thời điểm cuối năm, khi thời tiết diễn biến phức tạp và việc kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm tăng cao”, ông Nguyễn Đình Đảng nói.

Để từng bước quản lý chặt chẽ việc giết mổ gia cầm sống tại chợ dân sinh, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cho người kinh doanh và người tiêu dùng về tác hại của việc giết mổ không đúng nơi quy định.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, huyện đã yêu cầu các xã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, sơ chế sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, huyện cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền để từng bước giúp người tiêu dùng thay đổi tập quán, thói quen, nhất là việc sử dụng gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp tập trung theo Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 của UBND thành phố về việc phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố. Đồng thời, sở sẽ có lộ trình, giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội chú trọng phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống kinh doanh thịt gia súc, gia cầm an toàn, có truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý; tăng tỷ lệ tiêu thụ thịt mát, thịt cấp đông để các cơ sở giết mổ công nghiệp bảo đảm điều kiện hoạt động hết công suất.

“Để đạt hiệu quả cao trong lĩnh vực này, lực lượng liên ngành, UBND các quận, huyện, thị xã cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, kiên quyết buộc các lò mổ “chui", không đủ điều kiện vệ sinh thú y không được hoạt động”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực trạng giết mổ gia cầm tại chợ: Tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.