Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, dự báo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao. Các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đang tăng cường quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm để bảo đảm nguồn thực phẩm cung cấp ra thị trường an toàn, được kiểm soát.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng từ 900 đến 1.000 tấn/ngày, vào dịp Tết Nguyên đán dự báo có thể tăng lên 1.200 tấn/ngày. Thành phố có 726 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó có 13 cơ sở có dây chuyền giết mổ công nghiệp, 57 cơ sở giết mổ bán công nghiệp và 656 cơ sở giết mổ thủ công. Phần lớn các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp hoạt động chưa hết công suất, trong đó có cơ sở giết mổ công nghiệp đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại chỉ hoạt động 15-30% công suất thiết kế. Số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn nhiều; hoạt động giết mổ đa dạng, phương thức chủ yếu là thủ công. Hầu hết trong số này đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, chưa được lực lượng chuyên môn kiểm soát giết mổ hằng ngày nên nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cao.
Đến nay, tổng lượng thịt gia súc, gia cầm hằng ngày từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được kiểm soát trên địa bàn thành phố đạt trên 400 tấn/ngày, cộng thêm nguồn thịt nhập vào Hà Nội được kiểm dịch khoảng trên 150 tấn/ngày; trên 60% lượng thịt tiêu thụ trên địa bàn thành phố được kiểm soát nguồn gốc ngay từ cơ sở. Còn lại là do các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ cung cấp ra thị trường. Do không nằm trong quy hoạch, không có sự cho phép của các cấp chính quyền, không có sự kiểm soát giết mổ của lực lượng thú y, vì vậy các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm...
Để khắc phục bất cập trong kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý hoạt động giết mổ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và Kiểm soát giết mổ động vật, Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã cử cán bộ trực 24/24 giờ tại chốt kiểm dịch động vật liên ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, ngăn chặn động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vận chuyển vào thành phố Hà Nội. Các địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp, trang trại, gia trại xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm sạch ra thị trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, giới thiệu các dây chuyền công nghệ giết mổ hiện đại, mô hình giết mổ điển hình; tăng cường công tác kiểm tra ở cơ sở giết mổ, yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết không giết mổ động vật không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm. Riêng với giết mổ gia cầm, tồn tại nhiều trường hợp giết mổ ngay tại chợ do thói quen của người tiêu dùng thích dùng đồ tươi sống, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết... Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có thể từng bước thay đổi thói quen, tập quán từ sử dụng thịt tươi sống sang thịt mát, thịt cấp đông.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu thành phố có chính sách khuyến khích hỗ trợ các chủ hộ, trang trại đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ và chuỗi liên kết chăn nuôi; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về thú y, an toàn thực phẩm đối với cơ sở giết mổ động vật; xử lý triệt để theo quy định pháp luật đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung không có giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, không có cam kết thực hiện động vật đưa vào giết mổ có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.