(HNMO) - Bắt đầu từ sáng nay (30-10), Quốc hội dành hai ngày để thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Đoàn Chủ tịch mời các thành viên của Chính phủ cùng tham gia thảo luận, làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.
Năm thứ hai liên tiếp, 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao đều thực hiện đạt và vượt
Các ý kiến đại biểu phát biểu đầu phiên thảo luận bảy tỏ sự đồng tình với những nhận định trong báo cáo của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Năm 2019, dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự đóng góp của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.
Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp, 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao đều thực hiện đạt và vượt. Đây là kết quả đáng mừng, quan trọng, góp phần hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
“Những kết quả đạt được là cơ bản, đáng ghi nhận, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức còn tồn tại, cử tri và nhân dân đòi hỏi cần tập trung giải quyết với tinh thần quyết liệt, nhanh hơn, hiệu quả hơn”, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An) nêu.
Vẫn còn tổ chức, cá nhân sợ chịu trách nhiệm
Đi sâu phân tích về thực trạng thực thi pháp luật đang có sự chồng chéo, bất cập, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Đoàn Nghệ An) cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa chỉ rõ được sự bất cập, chồng chéo này nằm ở đâu, như thế nào... Chính vì vậy, việc điều chỉnh, sửa đổi để tháo gỡ cũng chưa được quan tâm đúng mức.
"Đáng lo ngại là tinh thần kiến tạo, đổi mới, chịu trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chưa được hưởng ứng, thực hiện đầy đủ, toàn diện trong toàn hệ thống... Vẫn còn tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền thiếu tính tiến công, sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Những việc có lợi thì làm, việc không có lợi cho cá nhân, không an toàn thì né tránh đùn đẩy; cái mới thì ngại ngùng, ngại tiếp cận triển khai. Tình trạng các vụ việc được chuyển lên, chuyển xuống, chuyển ngang, qua lại nhiều lần giữa các cơ quan chưa được lý giải”, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền nhận xét.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, các tồn tại trên tuy không mới nhưng gần đây được phản ánh nhiều hơn, là lực cản lớn cho sự phát triển của nước ta hiện nay. Do đó, vấn đề này cần được nghiêm túc nhìn nhận và có giải pháp quan tâm khắc phục, tạo sự đồng bộ nhất quán từ trung ương xuống cơ sở; cần có cơ chế, chính sách khuyến khích những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ngay cả khi chưa thực hiện đúng quy định hiện tại nhưng đem lại hiệu quả cao được nhân dân ghi nhận.
Cần khoác “tấm áo” pháp lý mới cho hộ kinh doanh cá thể
Quan tâm đến phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thái Bình) cho biết, mặc dù đóng góp tới 40% GDP, nhưng tại khu vực kinh tế tư nhân đang tồn tại nghịch lý lớn: 700.000 doanh nghiệp tư nhân đóng góp vỏn vẹn 10% GDP, 30% mức đóng góp còn lại thuộc về 5 triệu hộ kinh doanh cá thể (trong đó có 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký).
Về bản chất, hộ kinh doanh cá thể là loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhưng do chưa được định danh rõ ràng về mặt pháp lý nên bị hạn chế về quyền kinh doanh. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước ở khu vực này thiếu minh bạch khiến các hộ kinh doanh không được thúc đẩy để lớn lên.
“Hoạt động kinh doanh của các hộ này đang là mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng vặt”, vị đại biểu Đoàn Thái Bình nói.
Để giải quyết vấn đề này, không thể xóa hộ kinh doanh, cũng không thể ép hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, mà chỉ có thể khoác “tấm áo” pháp lý mới cho hộ kinh doanh, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp với những quy định pháp lý tối giản, minh bạch, bảo đảm sự bình đẳng của các hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, góp phần thúc đẩy sự phát triển hiệu quả của hộ kinh doanh trong nền kinh tế.
Cùng quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân, đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) nhận định, khu vực này chưa có sự bứt phá. Trong 9 tháng năm 2019, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể tăng 6,3% so với năm 2018 - con số này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về môi trường kinh doanh đã thực sự lý tưởng cho doanh nghiệp tư nhân phát triển hay chưa?
Theo đại biểu, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh, giữa thờ ơ” đã làm giảm nhiệt huyết của người dân, doanh nghiệp; các giấy phép "con", giấy phép "cháu", chi phí không chính thức, nhất là chi phí tuân thủ pháp luật do tồn tại quá nhiều quy định đã gia tăng áp lực lên doanh nghiệp.
“Vậy nút thắt là gì? Nhà nước cần làm gì để đồng hành cùng doanh nghiệp? Doanh nghiệp tư nhân cần làm gì để lớn?”. Để trả lời những câu hỏi này, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng, giải pháp hàng đầu là cần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế tư nhân bằng cách tạo đột phá về cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân. Đây là điều kiện tiên quyết để người dân an tâm, hồ hởi bỏ tiền ra làm ăn, gia tăng hiệu quả cho nền kinh tế.
Quản lý chặt việc cấp phép phát hành các tác phẩm điện ảnh
Bên cạnh nhiều ý kiến quan tâm đến lĩnh vực kinh tế, một số đại biểu nêu quan điểm về lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Báo cáo Chính phủ còn nêu chung chung, chưa phân tích sâu và nêu nguyên nhân của những tồn tại trong thời gian qua như tình trạng xuống cấp về lối sống là vấn đề nhức nhối; nguồn lực đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tu bổ cấp thiết di tích cấp quốc gia còn rất thấp và hạn chế; việc quản lý, cấp phép các tác phẩm điện ảnh còn lỏng lẻo...
Đại biểu Đoàn Hà Nội đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề này trong báo cáo và có giải pháp cụ thể để giải quyết một cách căn cơ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn ngân sách để tu bổ các công trình văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; có giải pháp quản lý chặt chẽ, cẩn trọng hơn với việc cấp phép phát hành các tác phẩm điện ảnh, các xuất bản phẩm; lưu ý đến những lĩnh vực đặc thù như văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao khi sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, tránh sắp xếp một cách cơ học, nóng vội...
Về vấn đề giáo dục, đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng, nhiều ý kiến xung quanh kỳ thi THPT quốc gia áp dụng hình thức thi trắc nghiệm với môn toán khiến cử tri chưa được yên tâm. Bởi, phương thức thi này cũng là một nguyên nhân gây ra sai phạm hàng loạt trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Đồng thời, phương thức này tạo nên cách dạy và học, tư duy với môn toán bị thay đổi. Thầy cô chỉ dạy cho học sinh biết cách làm bài thi trắc nghiệm sao cho đạt kết quả bằng các mẹo làm bài, còn học sinh chỉ cần khoanh tối đa các phương án đúng. Cách học này dẫn đến tình trạng học sinh bỏ qua các bước khi làm bài toán và tư duy logic, điều cần có khi học môn toán bị xem nhẹ. Thời gian qua, nhiều thầy giáo ở trường đại học đã có ý kiến về chất lượng của học sinh THPT. Vì vậy, đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ nghiên cứu lại phương thức thi trong thời gian tới.
Quan tâm đến bảo vệ trẻ em, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, Báo cáo của Chính phủ mới chỉ phân tích, đánh giá về việc bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ, còn việc chăm sóc, giáo dục trẻ em chưa được phân tích, đánh giá thấu đáo.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát sửa đổi, ban hành mới văn bản hướng dẫn thực hiện quyền trẻ em, chăm sóc trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, địa phương triển khai hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.