(HNMCT) - Để giới thiệu các sản phẩm điện ảnh, không nơi nào thuận lợi, hiệu quả hơn các liên hoan phim (LHP), chợ phim trong nước và quốc tế. Do vậy, việc quảng bá thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Điện ảnh trong thời gian tới. Hànộimới Cuối tuần trích đăng một số ý kiến của các chuyên gia, nhà làm phim xung quanh vấn đề này.
Ông Đỗ Duy Anh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh:
Quan tâm tới những vấn đề cốt lõi
Các kỳ LHP Việt Nam được tổ chức thành công không chỉ khuyến khích, vinh danh các tác phẩm và nghệ sĩ điện ảnh, mà còn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ và những người làm công tác điện ảnh nói chung có cơ hội tiếp xúc, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Nói cách khác, LHP góp phần nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật, kỹ thuật làm phim Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng và yêu cầu ngày càng cao của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh. Trong bước khởi đầu xây dựng thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam, có những nhận thức mang tính cốt lõi cần phải quan tâm xây dựng.
Một là, xác định sứ mạng của thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam là góp phần xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam tiên tiến, giàu tính nhân văn và mang đậm bản sắc dân tộc. Theo đó, với thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam, phải xây dựng được hình ảnh sống động trong suy nghĩ, tình cảm của nghệ sĩ điện ảnh và khán giả cả nước thông qua việc giới thiệu đến khán giả những tác phẩm điện ảnh mang đậm tính dân tộc, nhân văn, có chất lượng cao về nội dung, có tính sáng tạo trong thể hiện nghệ thuật và áp dụng công nghệ tiên tiến. Thương hiệu này phải khuyến khích tài năng trong sáng tác, sản xuất và phổ biến phim thông qua việc tôn vinh, trao các giải thưởng cho tác phẩm và cá nhân xuất sắc. Thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá điểm đến trong phát triển du lịch thông qua các tác phẩm tham dự...
Thứ hai là về tầm nhìn của thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam. Chúng ta phải duy trì, phát triển LHP Việt Nam với tư cách là sự kiện văn hóa mang tầm cỡ quốc gia, góp phần giúp công nghiệp điện ảnh Việt Nam có vị trị xứng đáng trong các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Để tạo dựng tầm nhìn đó, cần xây dựng chiến lược củng cố và phát triển hình ảnh, các đặc điểm riêng biệt của LHP Việt Nam.
Thứ ba, cần định vị thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam với các nội dung rất cụ thể như: Xác định đối tượng mà thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam hướng tới; tạo sự khác biệt cho thương hiệu; lựa chọn hình ảnh định vị thương hiệu; xây dựng kế hoạch quảng bá thương hiệu.
Đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng:
Nếu làm tốt thì điện ảnh có thể hái ra tiền
LHP là một thương hiệu rất quan trọng của ngành điện ảnh mỗi quốc gia. Vì thế, việc xây dựng thương hiệu LHP Việt Nam rõ uy tín không chỉ ở Việt Nam mà có tính khu vực là vô cùng quan trọng. Đặc biệt, trong thời buổi “nền kinh tế hình ảnh” được chú trọng, điện ảnh ngoài việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam, còn có thể mang lại lợi nhuận rất lớn. Hãy nghĩ và hướng tới mục tiêu điện ảnh có thể xuất khẩu. Nếu chúng ta làm tốt thì điện ảnh có thể hái ra tiền.
Một LHP cần phải có ban giám đốc cố định. Bởi đội ngũ cố định này hoạt động tốt và liên tục thì công việc chuẩn bị, chào mời, giới thiệu mới có thể diễn ra liên tục. Và, cũng cần phải có kinh phí hỗ trợ cho các thành viên LHP để họ tiếp cận các LHP khác, vừa là quảng bá LHP vừa là mời các nhà làm phim lớn mang phim của họ tới tham dự LHP của mình. Nếu có nhiều phim lớn hay các nhà làm phim uy tín tham dự thì LHP đó sẽ thu hút được sự quan tâm, chất lượng phim chiếu tại LHP cũng tăng lên và LHP được coi là địa chỉ tin cậy.
Phim được giải của LHP Việt Nam phải là một bộ phim thật sự xứng đáng. Sẽ càng tự hào hơn khi bộ phim được giải đó tiếp tục tham dự LHP nước ngoài và tiếp tục đạt được thành tích cao. LHP Việt Nam phải là nơi hội tụ, nơi quảng bá, nơi tạo tiền đề cho các bộ phim không chỉ của nhà làm phim Việt Nam mà cả các nhà làm phim quốc tế. Cùng với đó, cần có ban giám khảo tốt gồm các nhà làm phim nổi tiếng, có uy tín quốc tế đến tham gia chấm giải cùng với các nhà làm phim Việt Nam. Nếu làm được điều này, LHP Việt Nam được quảng bá tốt hơn, thu hút sự chú ý của các nhà làm phim trên thế giới và khán giả.
Diễn viên, nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Tiệp:
Chú trọng xây dựng từ gốc rễ
Xây dựng và phát triển thương hiệu và giới thiệu thương hiệu quốc gia với cộng đồng quốc tế là việc rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định vị thế cạnh tranh của quốc gia đó trên trường quốc tế. Tùy vào điều kiện và định hướng phát triển riêng, mỗi quốc gia lựa chọn xây dựng một thương hiệu quốc gia riêng nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho quốc gia đó. Để phát triển thương hiệu quốc gia, cần tập trung đẩy mạnh hai yếu tố chính là xây dựng và quản lý thương hiệu quốc gia nhằm bảo đảm thương hiệu quốc gia được sử dụng đúng mục đích, đạt mục tiêu đề ra.
Thương hiệu quốc gia cũng có thể được xây dựng từ lĩnh vực không phải là thế mạnh tiêu biểu của quốc gia, bởi không phải quốc gia nào cũng có thế mạnh rõ ràng trên một lĩnh vực cụ thể. Trong trường hợp này, thương hiệu quốc gia trước tiên cần được xem là niềm tự hào của chính đất nước đó. Các quốc gia, dù ở bất cứ quy mô nào cũng đều có những thương hiệu đáng để tự hào, đáng để giới thiệu với du khách quốc tế. Một sự thật hiển nhiên là điện ảnh Việt Nam chưa thể sánh cùng các nền điện ảnh khổng lồ trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung.
Thực tế cho thấy, quảng bá thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam là câu chuyện đường dài mà ngành điện ảnh nước nhà cần chú trọng xây dựng từ gốc rễ. Vì thế, quảng bá thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam tới khán giả trong nước nói riêng và khán giả quốc tế nói chung không phải là chuyện có thể hoàn thành trong "một sớm một chiều". Khái niệm “khán giả” không chỉ gồm những người đi xem phim đơn thuần, mà nó còn bao gồm cả những người liên quan trực tiếp đến ngành công nghiệp này như: Những người làm phim, nhà sản xuất, đơn vị phát hành… LHP chỉ là bề nổi, là kết quả của cả một quá trình phát triển và gây dựng nền điện ảnh trong suốt chiều dài lịch sử.
Vì vậy, để quảng bá được thương hiệu quốc gia LHP Việt Nam, cần lật lại và soi chiếu những yếu tố căn bản có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự thành công của tham vọng quảng bá này, chỉ ra thực tế những điều Việt Nam đã làm được, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các nền điện ảnh lớn trên thế giới và trong khu vực, từ đó đưa ra chiến lược quảng bá phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.