Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý và ứng phó hiệu quả

Thế Văn| 17/02/2023 06:40

(HNM) - Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề ra tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23-11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và bền vững”.

Đồng bằng sông Hồng gắn với nền văn minh lúa nước của người Việt, là vùng kinh tế động lực của cả nước. Đây cũng là vùng đất giàu tiềm năng, nhiều lợi thế để tạo đột phá cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng…

Do vậy việc quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thời gian qua, nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư, nguồn lực phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng. Nhiều quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp… được triển khai, bước đầu mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Hợp tác, liên kết vùng trong quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên đã và đang tạo ra những chuyển động mới… Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều hạn chế.

Thực tế cho thấy, không chỉ tồn tại những vấn đề về cơ sở dữ liệu, điều tra cơ bản liên quan đến hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển…, việc tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp, đa dạng nguồn vốn đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường cũng có không ít bất cập. Trong khi đó năng lực hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng Đồng bằng sông Hồng còn một khoảng cách khá xa so với đòi hỏi thực tế. Nhiều công trình, dự án liên tỉnh, liên vùng chậm triển khai nên không chỉ Hà Nội mà nhiều đô thị trong vùng cũng rơi vào tình trạng “mưa lớn là ngập”. Chưa kể đến những “bài toán” từ thực tế liên kết phát triển.

Để tạo bước chuyển mới, nâng cao năng lực quản lý, sử dụng tài nguyên, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu… phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trước hết, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng điều tra, đánh giá, hạch toán đầy đủ các nguồn tài nguyên nước, đất đai, khoáng sản, sinh thái…; đồng thời xây dựng hệ thống quản lý đồng bộ, trong đó chú trọng đánh giá đúng hiện trạng sử dụng đất để có giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả.

Cùng với đó là tập trung nguồn lực giải quyết các “điểm đen” ô nhiễm môi trường đang gây bức xúc trong cộng đồng; tăng cường các giải pháp ngăn chặn nguy cơ suy thoái; cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường trên các lưu vực sông Nhuệ - Đáy, hệ thống Bắc Hưng Hải… Đặc biệt là giải quyết vấn nạn môi trường ở các đô thị lớn; tập trung xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô xanh, thông minh - một đô thị động lực và có sức lan tỏa. Mặt khác là tạo cơ chế hỗ trợ, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Để giảm thiểu tác động thiên tai, bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững, Hà Nội và các địa phương cần thúc đẩy những chương trình, dự án nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ thống tự nhiên cũng như các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững cho cư dân vùng Đồng bằng sông Hồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý và ứng phó hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.