Góc nhìn

Trách nhiệm và tình yêu thương con trẻ

Chí Kiên 01/06/2024 - 06:34

Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em!

Đây chính là tinh thần hành động xuyên suốt trong những năm qua của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và từ trong mỗi gia đình, nhà trường đến toàn xã hội trong việc quan tâm chăm lo, bồi dưỡng thế hệ tương lai của đất nước.

Hiện nay, nước ta đang có trên 25 triệu trẻ em, chiếm khoảng 25,5% tổng dân số. Trong những năm qua, hệ thống chính sách về trẻ em đã từng bước được hoàn thiện. Trong đó phải kể đến khi Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em.

Đáng chú ý hơn, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Điển hình như: Luật Trẻ em 2016, Luật Giáo dục 2019, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022, Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 và nhiều chương trình, đề án về phát triển toàn diện trẻ em đã, đang được thực hiện hiệu quả trên địa bàn cả nước.

Điều vui mừng là đời sống vật chất, tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội, sức khỏe của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng và được quan tâm chăm lo. Kết quả nổi bật là hiện nay, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Gần 100% các cháu đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh…

Hơn thế, từ trong mỗi gia đình đến các nhà trường, các cha mẹ, ông bà, thầy cô đều nhận thức rõ trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, cùng chung tay xây dựng môi trường gia đình an toàn, nhà trường hạnh phúc.

Tuy vậy, cũng phải nhìn vào thực tế hiện nay, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vẫn còn đó những khó khăn, thách thức. Mặc dù cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng chúng ta vẫn chưa hết trăn trở, day dứt khi vẫn còn một số trẻ em phải đối mặt với nghịch cảnh của cuộc sống. Tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước còn xảy ra ở một số địa phương.

Đáng nói, hiện nay, có không ít trẻ em đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin trên mạng internet; vẫn còn tình trạng trẻ em thiếu các sân chơi lành mạnh, bổ ích, an toàn. Chưa kể, không ít trẻ em ở miền núi, vùng cao, trẻ em dân tộc thiểu số chưa có đủ điều kiện để tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc y tế có chất lượng, chưa được bảo đảm tốt về dinh dưỡng. Trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ không còn nơi nương tựa vẫn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cơ quan nhà nước và toàn xã hội…

Phân tích như vậy để thấy, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa cho thế hệ tương lai của đất nước. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình yêu thương của người lớn dành cho con trẻ. Trên tinh thần này, tại cuộc gặp mặt thân mật và biểu dương các cháu học sinh là con liệt sĩ công an, con đỡ đầu hội phụ nữ công an, con nuôi công an xã, con cán bộ, chiến sĩ đạt giải quốc gia, quốc tế năm học 2023-2024, diễn ra ngày 28-5 vừa qua, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã, đang và sẽ luôn dành tất cả tình yêu thương và những gì quý giá nhất cho trẻ em với tinh thần “Trẻ em như búp trên cành”.

Bằng tấm lòng, trách nhiệm và trái tim yêu thương với trẻ em, tất cả chúng ta, từ trong mỗi gia đình, nhà trường đến toàn xã hội phải thực sự là những “cái nôi” lan tỏa tình yêu thương, nhân ái, bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước đến từng con trẻ.

Vì lẽ đó, trong mỗi gia đình, những người thân cần nêu cao trách nhiệm hơn nữa trong quan tâm, nuôi nấng, dạy dỗ trẻ em, để con trẻ thực sự hạnh phúc, an toàn, được bày tỏ tiếng nói trong ngôi nhà của mình. Gia đình cũng cần quan tâm đến sức khỏe thể chất, tâm lý của con em, tránh gây áp lực không hợp lý cho các em về học tập và cuộc sống.

Trong các nhà trường, các thầy, cô giáo hãy tạo điều kiện, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, hứng thú, giúp học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Làm sao để thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai của các em, thường xuyên lắng nghe, thấu hiểu ý kiến, nguyện vọng và đồng hành để các em không bị áp lực học hành, thi cử.

Với cộng đồng xã hội, chúng ta hãy luôn dành những tình cảm, trách nhiệm và lòng yêu thương, sự quan tâm, nâng niu nhất tới trẻ em. Bảo vệ trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi, đó cũng là tiền đề để xây dựng một xã hội giàu lòng nhân ái, sẻ chia, tạo nên một thế hệ công dân tương lai có đầy đủ phẩm chất, trí tuệ góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển.

“Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan…”. Câu thơ chứa chan tình yêu thương trẻ em của Bác Hồ căn dặn chúng ta phải luôn chung tay tạo dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh, đầy đủ, tạo điều kiện tốt nhất cho những “mầm non” không ngừng rèn luyện, phấn đấu, thực sự trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm và tình yêu thương con trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.