Kinh tế

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Không xuất khẩu đất hiếm thô

Đình Hiệp 04/06/2024 - 16:35

Chiều 4-6, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường các đại biểu Quốc hội quan tâm.

dai-bieu-chieu.jpg
Đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn chiều 4-6. Ảnh: quochoi.vn

Dựa vào cung - cầu thị trường để khai thác

Về vấn đề khai thác vật liệu xây dựng (phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia - PV), Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đã phân cấp về địa phương, tuy nhiên một số vướng mắc về quy trình, thủ tục làm chậm trễ quá trình này. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo, được Quốc hội xem xét, khoáng sản hiện tại sẽ phân thành 4 loại nhóm, trong đó với nhóm vật liệu xây dựng thông thường được đơn giản hóa thủ tục, tiếp tục thực hiện phân cấp triệt để (việc quản lý khai thác - PV).

hong-ha.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trả lời, làm rõ nhiều nội dung đại biểu quan tâm. Ảnh: quochoi.vn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, từ nay đến khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, Quốc hội cũng ban hành các nghị quyết cho phép các cơ chế đặc thù, trong đó liên quan đến gia hạn, nâng công suất các mỏ khai thác, đơn giản hóa thủ tục. Các vấn đề này đang được triển khai khá tốt, đặc biệt giải pháp cho các vùng rất khó khăn về vật liệu xây dựng như Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ cũng đã có các mục tiêu, giải pháp đối với các cảng, biển nội thủy và sông ngòi, tuyến kênh, rạch, theo đó sẽ giao cho địa phương đánh giá, điều tra và khai thác, thực hiện thông tuyến, tận dụng nguồn vật liệu cát này. Bên cạnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bổ sung nguồn cát, bao gồm nghiên cứu và sử dụng đá xay, nhập khẩu. Với nhiều giải pháp đồng bộ, trong thời gian tới, vấn đề nguyên vật liệu cát phục vụ các dự án sẽ được giải quyết tốt.

Liên quan vấn đề đất hiếm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, việc khai thác đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao. Theo đó, đã có dự án điều tra, đánh giá trữ lượng các loại đất hiếm, xác định nguyên tắc dựa vào cung - cầu thị trường để khai thác; đáp ứng được công nghệ tuyển chọn, không xuất khẩu đất hiếm thô.

Đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi

Phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Phiên chất vấn đã nhận được 49 ý kiến chất vấn, tranh luận. Các đại biểu nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ý. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện thời gian tới. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, các bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng đã tham gia trả lời và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

tran-thanh-man.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn thứ nhất. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, còn có những tồn tại, hạn chế. Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan thực hiện hiệu quả giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung sau:

Thứ nhất, bám sát nội dung, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong năm 2025, hoàn thành việc khảo sát, đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi; tổng kết việc thi hành và đề xuất việc sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Thứ hai, tập trung triển khai có hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, trong đó có dự án Luật Địa chất, khoáng sản trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

Trả lời các đại biểu về vấn đề xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải tại các khu công nghiệp tập trung, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định: Việc tái sử dụng nước thải, phục vụ kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về nội dung này.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay, Luật Tài nguyên nước cũng đã quy định cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng nguồn nước mặt đối với sông hồ liên tỉnh, trong đó nêu rõ công tác kiểm tra, quản lý chất lượng môi trường.

“Để quản lý chất lượng nguồn nước này, cần tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc, quản lý kiểm kê, đánh giá mức độ nguồn thải. Bộ đang rà soát, đánh giá mức chịu tải của 13 lưu vực sông để có giải pháp phù hợp; đồng thời yêu cầu các địa phương xây dựng dự án đầu tư ở vị trí nào, xả thải ra sao; những khu vực cấm và không được xả thải, tránh quá tải”, Bộ trưởng thông tin.

Đối với nội dung chất vấn về ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng cho biết, hiện nhiều địa phương chưa bảo đảm mức chi này, nhất là các địa phương chưa tự cân đối thu - chi ngân sách.

Giải pháp thời gian tới được Bộ trưởng nêu ra là đầu tư, phát triển công nghệ, xây dựng, vận hành các công trình thu gom, xử lý, xây dựng hạ tầng… Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường có tính chất đầu tư (như đầu tư hệ thống thu gom nước thải, rác thải).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Không xuất khẩu đất hiếm thô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.